.

Thương mại Đà Nẵng: Từ truyền thống đến hiện đại

.

Các tư liệu lịch sử về Đà Nẵng xưa ghi lại rằng, từ đầu thế kỷ 20, cùng với Sài Gòn, Hải Phòng, Tourane (tên gọi của Đà Nẵng ngày xưa) đã là trung tâm thương mại quan trọng của cả nước. Các chợ dần được đầu tư xây dựng và trở nên khang trang, sầm uất…

Nhộn nhịp chợ hiện đại ngày nay.
Nhộn nhịp chợ hiện đại ngày nay.

Ra đời sớm nhất có các chợ nằm dọc ven sông Hàn, phía hai bên sông gồm các chợ Hải Châu, chợ Hàn, chợ An Hải, chợ Bà Thân… Tuy nhiên, một thời gian vì nhiều lý do, sinh hoạt của một số chợ bị gián đoạn và không phát triển về quy mô diện tích lẫn hàng hóa. Duy chỉ có chợ Hàn sớm trở thành điểm giao thương quan trọng của người buôn bán trong và ngoài nước. Trải qua biến động về lịch sử, mua bán tại các chợ có lúc thăng trầm. Cũng như chợ Hàn, chợ Cồn ra đời sau nhưng được đánh dấu có bước phát triển khá quan trọng trong tổng thể hệ thống thương mại của Đà Nẵng ngày nay. Từ chỗ chỉ lèo tèo vài ba cọc tre, cây cối dựng tạm gọi là lều, chợ nhanh chóng được hình thành kiên cố và trở thành trung tâm thương nghiệp của một vùng. Cho đến ngày nay, chợ Hàn và chợ Cồn vẫn là hai chợ lớn nhất của thành phố với vai trò phân phối phát luồng các loại hàng hóa sỉ và lẻ.

Nếu tính từ thời điểm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương năm 1997, đến năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt 21.520 tỷ đồng (gấp 10,76 lần), tăng bình quân 19,12%/năm, thì đến nay, con số này đã tăng trên 21%. Điều này thể hiện kết quả tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập và sức mua của thị trường tiêu dùng tăng cao. Hạ tầng thương mại được đầu tư đồng bộ, hiện đại với 2 chợ đầu mối bán buôn, 24 trung tâm thương mại và siêu thị, 88 chợ các loại theo hướng văn minh, lịch sự, an toàn. Vài năm gần đây, sự xuất hiện của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đã làm cho Đà Nẵng trở nên “hoành tráng” hơn. Ngoài những siêu thị lớn như Metro, Big C, Intimex, Co.op Mart, Viettronimex, Đệ Nhất Phan Khang, Ebest, Điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim Sài Gòn… còn hình thành hệ thống các chợ hiện đại vào bậc nhất miền Trung như Danang Square, chợ Siêu thị Đà Nẵng. Tất cả đã góp phần tạo nên một diện mạo của Đà Nẵng sau 15 năm. Cùng với hàng loạt chi nhánh, đại lý phân phối cấp 1 của các tập đoàn, công ty lớn trong và ngoài nước, tư thương mở ra, Đà Nẵng được xác lập trở thành trung tâm thương mại hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hệ thống bán buôn, bán lẻ của Đà Nẵng bước đầu được đầu tư khá tốt và hiện đại, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của thị trường, phương thức phân phối còn mang tính truyền thống. Trong khi đó, hệ thống bán lẻ, chủ yếu là tư nhân và hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, hoạt động thiếu gắn kết. Hình thức bán lẻ theo phương thức hiện đại chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 15% trên địa bàn. Để phát triển đồng bộ, thống nhất không gian trao đổi bán buôn, bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại, minh bạch, đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành thương mại, các chỉ tiêu phát triển của thành phố được đưa ra: Giai đoạn 2011-2020 phấn đấu tổng vốn đầu tư xã hội toàn ngành đạt 15.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân GDP thương mại 13% - 14% và chiếm tỷ trọng 55,6% GDP toàn thành phố. Dự kiến đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có thêm 6 trung tâm thương mại, chợ đầu mối; 16 siêu thị bán lẻ; xây mới 3 chợ truyền thống đạt tiêu chuẩn văn minh thương mại, nâng cấp và di dời 22 chợ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cho biết, thành phố sẽ đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng văn minh thương mại tại các chợ, gắn hoạt động kinh doanh với phát triển dịch vụ du lịch. Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại thì việc phát triển, nâng tầm các chợ truyền thống còn nhằm đa dạng kênh phân phối hàng hóa phục vụ tốt nhu cầu mua sắm cho nhân dân và du khách, đồng thời duy trì nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.