Chu kỳ Tết san ra hai tháng, diễn biến lạm phát tiếp tục kéo dài đường dốc đứng lên mức cao mới. So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2012 gia tốc thêm từ mức tăng 1% vào lần công bố trước, khi chốt ở mức 1,37%, theo Tổng cục Thống kê.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ đã có tháng thứ 6 giảm tốc. |
Xu hướng “cộng thêm” từng nấc tăng mới sau mỗi tháng kéo dài từ quý tư năm ngoái, đến tháng này đã đạt mức tăng cao nhất trong 9 tháng qua. Với nhìn nhận lạm phát theo cách này của Việt Nam, dường như diễn biến CPI đang có nhiều lo ngại.
Nhưng xu hướng tăng kéo từ cuối năm trước, bắt sang năm sau có liên quan đến thói quen tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Riêng, đã thiết lập trạng thái gia tốc lạm phát như trên trong hàng chục năm qua.
Nếu áp tính chu kỳ vào diễn biến lạm phát mới, mức tăng 1,37% ở tháng này, so sánh với CPI các tháng tương ứng nhiều năm gần đây thậm chí còn là thấp.
Thể hiện rõ nhất áp lực lạm phát đang giảm, CPI so với cùng kỳ là một tham chiếu khác.Tại tháng 2-2012, chỉ số giá theo mức so sánh này tăng 16,44%, thấp hơn con số 17,27% được công bố cách đây một tháng.
Ở góc nhìn này, diễn biến CPI đã có tháng thứ 6 liên tục giảm tốc độ tăng. So với mức 23,02% tại đỉnh diễn biến lạm phát vào tháng 8-2011, con số thực tế đến tháng này đã giảm được khoảng 6,6 điểm phần trăm.
Đối chiếu với tương quan giữa cung và cầu hàng hóa, sức mua giảm sau Tết là diễn biến không mới. Khác biệt năm nay là lượng hàng tồn trong Tết lớn, “đối đầu” với tiêu dùng giảm sau đó tạo điều kiện để giá cả hạ thấp xuống.
Báo cáo tháng này của Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng mức bán ra tháng 2 của thương mại, khách sạn nhà hàng, dịch vụ đã giảm 5,3% so với tháng trước, trong đó bán lẻ giảm 5,9%.
Cơ quan này cho hay, dịp sau Tết hàng hoá sớm được bày bán trở lại bình thường song mức tiêu thụ giảm nhiều so với trước Tết. Mức bán lẻ tại các siêu thị đã giảm đi rõ rệt, dịch vụ tiêu dùng đã dịu xuống.
Đáng chú ý, lương thực, thực phẩm vốn là những mặt hàng nhạy cảm trong dịp Tết thì sau Tết vẫn diễn biến bình thường. Vào dịp rằm tháng giêng và ngày lễ Valentine, tiêu dùng thực phẩm, hàng quà lưu niệm cũng chỉ sôi động trong vài ngày.
Với Tp.HCM, cơ quan thống kê cho biết, sau những ngày nghỉ tết kéo dài, hầu hết các doanh nghiệp, siêu thị cũng như các chợ truyền thống đã khai trương bán trở lại, tuy nhiên sức mua sau Tết năm nay so năm trước chậm hơn. Tổng mức bán lẻ trong tháng 2/2012 giảm mạnh tới 6,3% so với tháng trước, là tháng diễn ra Tết Nhâm Thìn.
Thông tin liên quan là trạng thái hút ròng qua thị trường mở OMO của Ngân hàng Nhà nước kéo dài suốt 3 tuần sau Tết, với lượng vốn rút khỏi hệ thống tín dụng lên tới khoảng 135 nghìn tỷ đồng.
Diễn biến thị trường hàng hóa, một vài đột biến giá cả rơi vào các nhóm có khả năng tác động lớn đến mặt bằng giá chung đã xác lập nên xu hướng tăng CPI theo tháng, bất chấp khoảng một nửa số nhóm khác mức biến động CPI khá thấp, thậm chí giảm.
Đáng chú ý là CPI lương thực đã giảm nhẹ 0,41%. Chiếm quyền số khoảng 10% nhóm này cũng tạo lên lực níu nhẹ với diễn biến giá chung. Cùng xu hướng này, bưu chính viễn thông tiếp tục kéo dài chuỗi giảm giá dịch vụ.
Nhưng lương thực chưa đủ để áp đặt trạng thái tích cực lên nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống. CPI thực phẩm tăng mạnh ở mức 2,73% sau các cú sốc giá thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau quả… dịp Tết.
Ngành dịch vụ luôn nhân dịp năm mới để phá mọi trần giá, CPI ăn uống ngoài gia đình thậm chí còn đạt mức tăng 2,82%, không đếm xỉa hai nhóm nguyên liệu đầu vào chính có mức tăng thấp hơn. Chốt lại, CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,11%.
Một đột biến khác ghi nhận ở nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Điện, gas… vừa qua đợt điều chỉnh giá lớn khiến CPI của nhóm tăng ở mức 2,47%. Trong khi đó, 6 nhóm khác đều ở mức tăng thấp dưới 1%.
Chỉ số giá vàng tăng 3,27% so với tháng trước; chỉ số giá USD tăng 0,41%.
VnEconomy