.

Đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên

.

Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã tập trung khai thác nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng của thành phố và xóa đói giảm nghèo. Trong đó, dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) để đầu tư vào hạ tầng đang từng bước góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020.

Thi công cầu Nguyễn Tri Phương.
Thi công cầu Nguyễn Tri Phương.

Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng là một dự án đa ngành đặt ra 4 mục tiêu chính: Nâng cấp đô thị, cải thiện môi trường, xây dựng các đường giao thông chiến lược phát triển đô thị và nâng cao năng lực của các sở, ban, ngành. Giai đoạn 1 đã có 10 gói thầu nâng cấp đô thị hoàn thành, gồm nâng cấp hạ tầng 4 khu thu nhập thấp Thanh Khê 1, Thanh Khê 5, Châu Thành, Trung Tạm; xây dựng 3 khu tái định cư Thanh Khê Tây, Hòa Minh và Hòa Quý; xây dựng 2 khu chung cư Thanh Khê Tây và Hòa Minh; cải tạo môi trường sông Phú Lộc. Theo đó, dự án cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản và dịch vụ ở khu dân cư thu nhập thấp được thực hiện theo cách tiếp cận dựa trên cơ sở cộng đồng và nhu cầu của họ như tăng cường cung cấp nước sạch cho người dân, tăng cường khả năng thoát nước, giải quyết úng ngập, giải quyết ô nhiễm do nước thải, tăng giá trị sử dụng đất trong các khu thu nhập thấp sau khi được cải tạo.

Giai đoạn 2 có 42 gói thầu được thực hiện, gồm xây dựng hệ thống thoát nước mưa, mở rộng hệ thống thu gom nước thải tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu; xây dựng cầu và đường Nguyễn Tri Phương nối dài đi Hòa Quý; nâng cấp 9 khu thu nhập thấp; mở rộng hệ thống thu gom nước thải tại các quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ; nâng cấp trạm xử lý nước thải Hòa Xuân; xây dựng  đường vành đai phía nam thành phố.

Theo đánh giá của Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố, đây là dự án được triển khai thực hiện trên diện rộng nhất so với các dự án phát triển đô thị Đà Nẵng, mức độ ảnh hưởng và hưởng lợi của người dân cũng khá lớn. Mặc dù dự án có tính phức tạp, đa dạng nhưng sự điều phối của Hội đồng điều hành mà trực tiếp là Chủ tịch UBND thành phố, đã làm cho dự án được phối hợp triển khai thuận lợi. Quan trọng hơn, chính phương pháp tổ chức thực hiện minh bạch, có tư vấn giám sát quốc tế đã đáp ứng cơ bản các yêu cầu của dự án theo tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2012, dự án sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công cầu và đường Nguyễn Tri Phương, xây dựng trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, khởi công đường phía nam thành phố. Theo hợp đồng, dự án sẽ kết thúc vào tháng 6-2013 nhưng khối lượng công việc vẫn còn rất lớn. Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố cho biết khả năng sẽ phải gia hạn dự án 6 tháng vì  một số nhà tư vấn thiết kế không bảo đảm năng lực, buộc phải cắt hợp đồng và tìm đơn vị mới, dẫn đến chậm tiến độ.

Dự án này ngoài nguồn vốn vay của WB 152 triệu USD  còn có vốn đối ứng của thành phố. Trong vốn đối ứng có cả đóng góp của cộng đồng dân cư được hưởng lợi từ dự án, thể hiện sự quyết tâm, sự đồng thuận và hơn nữa là cam kết của người dân, của chính quyền thành phố Đà Nẵng với nhà tài trợ trong việc thực hiện dự án.

Điều đáng quan tâm là đến tháng 4-2012, nếu xét về thời gian, dự án đã được triển khai 4 năm kể từ tháng 4-2008. Chặng đường còn lại chỉ hơn một năm nhưng khối lượng công việc còn đến 2/3. Việc rà soát, tổ chức đánh giá quá trình triển khai dự án, quản lý và sử dụng vốn cần sớm thực hiện để rút ra bài học kinh nghiệm, kịp thời đẩy nhanh tiến độ các hạng mục còn lại và thẩm định các mục tiêu đã đạt được của dự án.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
 

;
.
.
.
.
.