.

Đồ dùng trong trường mầm non: Ưu tiên hàng Việt

.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, các trường học, nhất là hệ thống trường mầm non công lập gần như sử dụng hơn 95% đồ dùng sản xuất trong nước. Trong khi đó, nhiều cơ sở mầm non tư thục vẫn trang bị các mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc có nguy cơ không bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ nhỏ.
 

Ngoài việc mua sắm thiết bị, các cô giáo còn sáng tạo thêm đồ dùng cho các cháu.
Ngoài việc mua sắm thiết bị, các cô giáo còn sáng tạo thêm đồ dùng cho các cháu.

Ghi nhận tại một số trường mầm non như H.M, H.Đ (quận Liên Chiểu), có nhiều vật dụng, đồ chơi bằng nhựa, xốp của Trung Quốc sản xuất. Các cô giáo cho biết đây là đồ chơi cũ từ các năm trước do các phụ huynh đóng góp, chứ không phải là nhà trường mua. Tuy nhiên, khi trưng bày tại khu đồ dùng học tập, không ít trẻ vẫn vô tư cầm nắm chơi đùa và ngậm trong miệng. Thực tế, việc thực hiện các quy định về sử dụng thiết bị, đồ chơi cho trẻ em các trường mầm non, nhất là các trường tư thục còn lỏng lẻo. Yêu cầu này chỉ thấy bắt buộc ở các cửa hàng bán đồ chơi, còn khi các trường tự bỏ tiền mua sắm rất khó kiểm soát.


Ở những trường mầm non tư thục, hay các cơ sở giữ trẻ tư nhân, các loại đồ chơi chúng tôi nhìn thấy phần lớn đều ghi “Made in China” dưới đáy sản phẩm. Một số của Việt Nam, nhưng rất khó khẳng định chất lượng vì không có tem hợp quy. Khi được hỏi, chủ các cơ sở này cho biết, nhiều khi không để ý tem nhãn, chỉ thấy loại nào đẹp, phù hợp với lứa tuổi các cháu thì mua. Cô Liên (cơ sở mầm non T.N, quận Liên Chiểu) nhìn nhận: “Trường cũng rất chú trọng dùng hàng Việt để bảo đảm an toàn sức khỏe cho các cháu. Nhưng thực ra với cơ sở nhỏ, việc đầu tư các trang thiết bị rất hạn chế vì kinh phí không cho phép. Có những đồ dùng bắt buộc phải là hàng Việt, song cũng có loại mua của Trung Quốc vì nó đa dạng và vừa tiền”.


Qua khảo sát tâm lý của một số trẻ, đa số các cháu chỉ thích thú với những đồ chơi có màu sắc bắt mắt. Rõ ràng, người lớn sẽ đóng vai trò định hướng khi quyết định cho trẻ được sử dụng những loại đồ dùng, đồ chơi nào. Cô Phan Thị Xuân Trà, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5 khẳng định: Nếu như trước đây trường dùng rất nhiều sản phẩm ngoại nhập thì bây giờ gần như 100% thiết bị, đồ dùng phục vụ các bé đều là hàng nội địa hoặc liên doanh. Dù giá thành sản phẩm có đắt hơn một chút, nhưng chúng tôi vẫn ưu tiên cho hàng Việt chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Ngoài ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong mỗi lớp học, nhà trường còn quán triệt đến từng giáo viên các lớp trong việc làm tốt vai trò là tuyên truyền viên dùng hàng Việt Nam đến mỗi phụ huynh. Thông qua các buổi họp phụ huynh định kỳ hoặc gặp gỡ hằng ngày, các giáo viên đã giải thích rõ về tác hại của những đồ chơi không rõ nguồn gốc, đồ chơi mang tính bạo lực đang được bày bán trôi nổi trên thị trường, khuyến khích các bậc phụ huynh nên cho con chơi những trò chơi an toàn, kích thích trí thông minh của trẻ.

Hiện nhiều trường mầm non trong nội thành như 19-5, 20-10, Tuổi Thơ, Hồng Nhung, Tiên Sa đang dùng phổ biến nhiều sản phẩm trong nước như Inox Phước An, Bình Ý, nhựa Bình Minh, Đại Đồng Tiến… Công ty Trang thiết bị trường học Đà Nẵng cũng cung ứng nhiều mặt hàng phục vụ trong nhà trường với tiêu chuẩn, chất lượng cao. Điều đó khẳng định hàng trong nước không thua kém với các sản phẩm cùng loại.

Thông tư 16/2011/TT-BGDĐT Quy định về trang bị đồ chơi trong nhà trường, nêu rõ:
Danh mục đồ chơi được trang bị trong nhà trường phải thực hiện theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các đồ chơi sản xuất trong nước trên sản phẩm phải có nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa như tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; thành phần; thông số kỹ thuật; thông tin, cảnh báo vệ sinh, an toàn; hướng dẫn sử dụng; hạn sử dụng; chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.


Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.