.

Nội địa hóa sản phẩm công nghiệp

.

Từng bước nâng cao tỷ trọng nội địa hóa sản phẩm công nghiệp để tiêu dùng và xuất khẩu là một trong những yêu cầu hàng đầu của sản xuất công nghiệp hiện nay, đồng thời với việc từng bước chuyển giao công nghệ là những yêu cầu quan trọng của việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Dây chuyền sản xuất sợi bằng nguyên liệu trong nước của Công ty CP Dệt Hòa Khánh.
Dây chuyền sản xuất sợi bằng nguyên liệu trong nước của Công ty CP Dệt Hòa Khánh.

Quán triệt sâu sắc và kiên trì theo đuổi mục tiêu trên, qua 20 năm đổi mới, ngành Công nghiệp thành phố đã thu được những kết quả quan trọng trong lĩnh vực này. Đối với ngành dệt may, nếu như 20 năm về trước, tỷ lệ nhập khẩu trong cơ cấu sản phẩm luôn chiếm trên 90% thì nay đã giảm xuống còn từ 40% đến 50%. Kết quả này là do ngành dệt may đã có chiến lược về nội địa hóa sản phẩm và thực hiện trong nhiều năm. Đến nay, toàn ngành đã chủ động được 50% nhu cầu về sợi, 70% nhu cầu về vải các loại, đặc biệt là tại các doanh nghiệp (DN) lớn như: Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP Dệt Hòa Khánh.

Trong đó, Công ty CP Dệt Hòa Khánh có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất, đạt trên 95%. Kết quả này là nhờ việc đổi mới đồng bộ hàng loạt thiết bị cũ bằng các thiết bị mới, đi đôi với đổi mới công nghệ nên công ty đã sử dụng hiệu quả nhiều loại sợi trong nước, kể cả các loại sợi dệt thủ công, nhưng chất lượng vải vẫn đạt tiêu chuẩn và được người tiêu dùng chấp nhận. Nhiều cơ sở may trong nước đã mua vải của công ty để làm hàng xuất khẩu. Vì vậy, công ty luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, riêng năm 2011 tỷ lệ tăng trưởng là 33% so với năm 2010. Đối với Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, năm 2011 nhờ việc đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm và khép kín quy trình sản xuất (từ sản xuất sợi đến thành phẩm là quần áo may sẵn và xuất khẩu) nên lợi nhuận của Tổng Công ty đạt khá; doanh thu 1.660 tỷ đồng, tăng 28%, nộp ngân sách 57 tỷ đồng, tăng 85% so với năm 2010...

Công ty CP Sản xuất và Thương mại Hữu Nghị - Đà Nẵng từ chỗ 100% nguyên liệu phải nhập khẩu, đến nay đã nội địa hóa gần 20% nguyên liệu, nhưng chất lượng hàng hóa không giảm, thị trường của ngành giày ngày càng mở rộng. Hiện các sản phẩm của công ty đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản. Công ty CP Cao su Đà Nẵng từ chỗ gần 100% nguyên liệu nhập ngoại từ vải bố, cao su… thì nay tỷ lệ này chỉ còn 40%. Công ty chỉ nhập những nguyên liệu chưa sản xuất được trong nước như thép tanh, cao su nhân tạo và một số hóa chất chuyên dùng khác. Sản phẩm của công ty được đánh giá cao trên thị trường khu vực, đặc biệt các loại lốp ô-tô chuyên dùng cỡ lớn phục vụ cho ngành khai thác mỏ gần như độc quyền cung cấp trên thị trường khu vực Đông Nam Á. Ông Bùi Viết Minh, Giám đốc Công ty CP Xi-măng Hải Vân cho biết, hiện sản xuất với 100% clinker trong nước, nhưng chất lượng xi-măng vẫn đạt mác cao, đáp ứng được nhu cầu xây dựng mọi công trình.

Mặc dù vậy, các loại vật tư, nguyên liệu mang tính cốt lõi, chính yếu của một số mặt hàng cao cấp vẫn phải nhập khẩu. Đây chính là thách thức, yêu cầu đối với việc nội địa hóa sản phẩm công nghiệp. Hy vọng với những thành quả đạt được và nguồn tài nguyên sẵn có chưa được khai thác sẽ là động lực, nhân tố để việc nội địa hóa sản phẩm trong tương lai thu được kết quả tốt.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH
 

;
.
.
.
.
.