Quá trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị Đà Nẵng đã đưa người nông dân bao nhiêu năm quen với ruộng lúa, ngô khoai, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã trở thành nông dân đô thị sản xuất nhiều ngành mới đỡ nhọc nhằn hơn nhưng ổn định đời sống nhờ tiếp cận KHCN.
Trang trại của anh Ngô Huy. |
Cụm từ KHCN giờ đã không còn xa lạ với nông dân đô thị. Anh Ngô Huy, nông dân sản xuất giỏi của thành phố - đã bắt tay vào sản xuất nông nghiệp đô thị từ năm 2005 với mô hình trang trại nuôi cá, kinh doanh cà-phê và trồng hoa lan trên chính mảnh ruộng 3.000m2 của gia đình tại phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Để làm được mô hình này, anh Huy đã đưa cậu con trai đầu 27 tuổi tham gia các lớp đào tạo nghề do Trung tâm đào tạo nghề thành phố tổ chức.
“Mới nghe ai cũng thấy lạ, làm nông mà phải đi học nghề. Nông nghiệp đô thị là vậy”, anh Huy chia sẻ. Sau khi hoàn thành khóa học trồng lan denro, cha con anh Huy còn tham gia nhiều lớp tập huấn ngắn ngày về chuyển giao kỹ thuật nuôi cá rô phi do Hội Nông dân quận Cẩm Lệ tổ chức. Ý tưởng kinh doanh cà-phê, thả cá để khách vừa thưởng ngoạn ngắm lan trong vườn, vừa nghe nhạc, câu cá bên hồ đã bước đầu mang lại thành công với lợi nhuận vài trăm triệu đồng/năm cho gia đình. Anh Huy cho biết thêm: “Thứ bảy, chủ nhật, khách từ thành phố về rất đông, nhất là vào mùa hè. Hiện giờ tôi đang tiếp tục mở rộng mô hình với các ý tưởng mới”. Tuy nhìn thấy mô hình khá đơn giản nhưng để tìm được hướng đi phù hợp với nông nghiệp đô thị quả thực không phải dễ. Gia đình anh Huy phải biết trả lời những câu hỏi phía trước không chỉ nỗ lực bằng tinh thần, bằng cơ bắp mà phải thực sự nỗ lực bằng tư duy, bằng sự sáng tạo.
Theo số liệu của Hội Nông dân quận Cẩm Lệ, hiện nay toàn quận có trên 5.000 hội viên. Để phục vụ cho các dự án di dời, giải tỏa, chỉnh trang đô thị trên địa bàn, phần lớn các hộ nông dân đều biến động nơi ở, công việc, đất sản xuất. Hội Nông dân quận đã phối hợp với Phòng Kinh tế theo tư vấn của Sở Khoa học-Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chuyển đổi ngành nghề cho nông dân sang trồng hoa, cây cảnh, rau sạch và trồng nấm có giá trị, phục vụ đời sống đô thị. Ông Lê Văn Phiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Cẩm Lệ cho biết: “Tết Nhâm Thìn vừa qua, hội trồng hoa, cây cảnh của nông dân Cẩm Lệ được mùa và thắng lớn đã thể hiện hướng đi đúng của nông nghiệp đô thị”.
KHCN đến với người nông dân qua phương pháp “cầm tay chỉ việc” là chính. Quá trình chuyển đổi sang nông nghiệp đô thị rất cần sự tiếp sức của nhà khoa học để nâng cao trình độ hiểu biết của nông dân trong tổ chức sản xuất từ lựa chọn giống cây, con, công nghệ chế biến, bảo quản nâng cao giá trị nông sản đến ứng phó tác động của biến đổi khí hậu.
Nhà khoa học đã vào cuộc hỗ trợ nông dân theo hướng phổ biến các kiến thức, các kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghiệp vụ, tay nghề để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để nông nghiệp đô thị có vị trí ổn định hơn trong xây dựng nông thôn mới, rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của nhà quản lý về tiếp cận nguồn vốn sản xuất và sự hỗ trợ của doanh nghiệp nhằm tạo ra các kênh tiêu thụ nông sản ổn định, để người nông dân chủ động kế hoạch dài hạn về cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ hợp lý và chủ động trong sản xuất.
Bài và ảnh: THU PHƯƠNG