.

Tăng cường phòng dịch cúm gia cầm

Ngày 27-2, UBND tỉnh Quảng Nam đã công bố dịch cúm gia cầm tại 2 huyện Điện Bàn và Đại Lộc. Trước tình hình này, Chi cục Thú y và chính quyền các địa phương đang triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn không để dịch phát sinh trên địa bàn.

Việc kiểm tra, kiểm soát tình trạng vận chuyển gia cầm từ Quảng Nam ra Đà Nẵng được đặt lên hàng đầu. Ngoài Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phước, ngày 22-2, UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện Hòa Vang thành lập Trạm kiểm dịch tạm thời tại xã Hòa Khương, ngăn chặn tình trạng vận chuyển gia cầm từ hướng Đại Lộc về Đà Nẵng trên quốc lộ 14 B. UBND xã Hòa Phước cũng lập 2 điểm chốt chặn trên các tuyến giao thông nối với xã Điện Thắng và Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam). Sau 5 ngày đi vào hoạt động, Trạm kiểm dịch tạm thời Hòa Khương đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp vận chuyển hơn 200 con gà, vịt chưa qua kiểm dịch từ Đại Lộc về Đà Nẵng.

Huyện Hòa Vang hiện có khoảng 500 nghìn con gia cầm, đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch. Đến nay, tại 11 xã đã kết thúc đợt cao điểm tiêu độc, khử trùng từ 15-2 đến 25-2. Riêng xã Hòa Phước, nơi có hơn 80 hộ nuôi gia cầm số lượng lớn, đã tiêu độc, khử trùng 2 đợt. Ông Huỳnh Văn Thới, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết đang đề nghị Chi cục Thú y cấp thêm thuốc BenCocix để tiến hành tiêu độc, khử trùng từ nay đến giữa tháng 3. Phòng cử cán bộ phối hợp với nhân viên thú y cơ sở tiến hành giám sát dịch bệnh tại các hộ, trang trại chăn nuôi, đồng thời phối hợp với Đài Truyền thanh huyện mở đợt tuyên truyền cao điểm về công tác phòng chống dịch với thời lượng phát sóng 3 lần/ngày. Ngoài ra, phòng cũng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương chuẩn bị sẵn các điểm tiêu hủy gia cầm.

Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết ngay sau khi được ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương báo gà chết bất thường, chi cục đã đến kiểm tra và tiến hành tiêu hủy, đồng thời lấy mẫu phẩm gửi đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm gà chết do nhiễm bệnh Newcastle và âm tính với dịch cúm gia cầm H5N1. Ông cũng cho biết thêm, tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch xảy ra ở Đà Nẵng rất cao, vì vậy các cấp, các ngành liên quan huy động mọi nguồn lực tập trung phòng chống với trách nhiệm cao nhất. Chi cục Thú y đặc biệt chú trọng 3 giải pháp là ngăn chặn triệt để tình trạng vận chuyển gia cầm từ Quảng Nam ra; giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh tại các hộ, trang trại chăn nuôi, kiểm soát gắt gao việc mua bán, giết mổ gia cầm và triển khai tốt việc tiêu độc, khử trùng trên diện rộng.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.