Những ngày gần đây, tin vui dồn dập đến với ngư dân Đà Nẵng. Sau những niềm vui từ “lộc biển” đầu năm, tiếp đến là việc UBND thành phố thực hiện hỗ trợ 100% phí bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho tất cả lao động trên tàu có công suất 50CV trở lên.
Sáng ngày 10-2-2012, một tin vui nữa lại đến, 4 tàu cá (thí điểm) của ngư dân Đà Nẵng (gồm tàu ĐNa 90406 của ông Nguyễn Đình Tuấn, ĐNa 90369 của ông Đậu Ngọc Vinh Tam, ĐNa 90323 của ông Lê Dũng; ĐNa 90127 của ông Nguyễn Ngọc Thành) được hỗ trợ 100% trang bị 4 máy thông tin liên lạc tầm xa có hệ thống định vị vệ tinh hiện đại (máy VERTEXSTANDARD. VX-1700, công suất 125kV, tần số 500KHz – 29.9999 MHz, sản xuất tại Nhật Bản do Công ty CP Thiết bị Hàng hải nhập khẩu), mỗi máy trị giá 28 triệu đồng. Niềm vui và lòng tin của ngư dân trước giờ xuất bến vươn khơi thấy rõ trên nét mặt rạng ngời.
Tàu đánh cá lớn nhất Đà Nẵng trước giờ ra khơi. Ảnh: MINH SƠN |
Thêm niềm vui mới, Đà Nẵng vừa hạ thủy tàu cá bằng gỗ lớn nhất từ trước đến nay (dài 23,8m, rộng 7,2m, chiều sâu 3,5m, chiều nổi 3m, công suất 948 CV) và ngày 20-1-2012 (Âm lịch), con tàu “anh cả” này cũng sẽ lần đầu tiên vươn khơi ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa tìm luồng cá mới. Trước giờ xuất bến của con tàu này, chúng tôi có dịp ghé thăm, khám phá cơ ngơi và những điều thú vị về con tàu cũng như vị chủ tàu còn rất trẻ này qua lời kể của người cha - ông Trần Ban (73 tuổi).
Anh Trần Văn Mười ở tổ 20B phường Mân Thái (Sơn Trà) - chủ tàu ĐNa 90567 TS, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh xin vào làm cho một công ty ở Liên Chiểu. Sau một thời gian công tác, cảm thấy không phù hợp công việc, anh bỏ về làm cùng cha là ông Trần Ban tại một cơ sở khai thác cát. Sau 3 năm làm quản lý ở công ty, tình yêu biển đã ăn sâu vào trong máu của chàng trai trẻ Trần Văn Mười lại trỗi dậy, anh xin cha đi theo tàu (tàu cũ của ông Ban, đóng từ năm 2000, đã bán) để vươn khơi. “Chắc là cái duyên với biển, cái tình yêu biển đã thấm vào máu của cha con tôi, nên tôi cũng không thể cản ước mơ về với biển của nó. Cứ nghĩ sau khi tốt nghiệp đại học, nó sẽ làm việc gì đó khác, thoát khỏi những con sóng bạc lúc hiền hòa, lúc giận dữ. Nhưng nó là thằng út, lại muốn nối nghiệp tôi, khác hẳn với mấy anh chị em nó. Cứ thế, đến với biển như là một cái duyên kỳ ngộ”, ông Ban tâm sự.
Năm 2011, tàu của ông Ban (câu mực khơi) đạt tổng doanh thu 10 tỷ đồng, trong đó gia đình ông thu lãi 20%. Trước tình hình giá mực tăng cao, cùng với nhu cầu lao động đòi hỏi những chuyến vươn khơi dài ngày và ổn định, ông Ban và cậu út Trần Văn Mười đã quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng để đóng con tàu lớn này. Theo đó, vật tư, nguyên liệu đều do gia đình tự tìm mua, chỉ thuê công thợ thiết kế và đóng tàu.
Lắp đặt máy VERTEXSTANDARD. VX-1700 trên tàu đánh cá cho ngư dân. Ảnh MINH SƠN |
Thời gian đóng tàu kéo dài 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12-2011), hoàn thành và hạ thủy dịp giáp Tết Nguyên đán vừa qua. Ông Ban cho biết, bình thường mỗi chuyến tàu câu mực khơi đi trong vòng 2 tháng, với con tàu này, chuyến đi sẽ kéo dài lên 3 tháng. Tàu được trang bị đầy đủ hệ thống các trang thiết bị chuyên dụng hiện đại, bảo đảm cho 40 lao động làm việc trong vòng 90 ngày với 35 thuyền thúng. Ngoài ra, tàu có 1 thuyền trưởng, một máy trưởng, 3 nhân viên chuyên phục vụ mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt.
Theo lời ông Ban kể thì nhu yếu phẩm phục vụ cho một chuyến đi gồm 90 phuy dầu (tương đương 20 tấn), 60 tấn nước, 2 tấn gạo, 2 tấn gas, 40 két nước khoáng, 160 lít dầu ăn...
Phía trước là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đang vẫy gọi. Sau lưng là sự hỗ trợ tối đa của chính quyền thành phố, của ngành thủy sản và hàng triệu trái tim đang một lòng hướng về biển đảo quê hương... chắp cánh cho những chuyến vươn khơi của ngư dân thêm vững vàng. Xin chúc cho chuyến vươn khơi đầu tiên của tàu đánh cá “anh cả” của ngư dân Đà Nẵng và hàng trăm con tàu khác sẽ sớm mang về những mùa biển bội thu!
MINH SƠN