Rằm tháng giêng, lẽ ra giá cả đã giảm mạnh nhưng cứ mỗi lần đi chợ, người tiêu dùng lại không khỏi lo lắng...
Loạn với giá niêm yết thịt heo, bò. Ảnh: DUYÊN ANH |
Niêm yết một đàng, bán một nẻo
Từ sau Tết, chúng tôi đã có mặt tại nhiều chợ lớn nhỏ để nắm tình hình giá cả. Đã sang nửa tháng giêng, có những mặt hàng giá còn cao chót vót, có mặt hàng giá ổn định. Từ mồng 10 tháng giêng đến nay, hàng loạt quầy bán thịt heo và thịt bò tại chợ siêu thị Nguyễn Kim đồng loạt niêm yết giá bán 110 nghìn đồng/kg thịt heo mông, 190 nghìn đồng/kg thịt bò phô (loại 1), nhiều người lầm tưởng giá rẻ hơn so với các chợ khác, hóa ra không phải, bởi không bao giờ mua được giá như trên bảng niêm yết. Ngạc nhiên với giá đó, chúng tôi đã rảo rất nhiều chợ và được biết, mức giá niêm yết tại mỗi chợ khác nhau và nếu mua được sản phẩm đúng với giá, chắc chắn phải kì kèo, rành giá. Sáng 5-2, giá thịt gia súc dù đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với ngày thường, đặc biệt là thịt bò.
Cụ thể, tại chợ Cồn, thịt heo mông 120.000 đồng/kg, thịt bò 220.000 đồng/kg; trong khi cũng cùng loại ở chợ Hàn giá thịt heo mông 140.000 đồng/kg, thịt bò 240.000 đồng/kg. Chợ Đống Đa được xem là dễ mua, nhưng nhìn trên bảng niêm yết chắc chắn khách hàng sẽ rất lúng túng. Trên bảng giá ghi rõ: Tôm sú loại 1: 250 nghìn đồng/kg, nhưng khi tôi định lựa tôm, người bán nói chắc nịch: “350 ngàn đồng, đừng trả”, hay giá thịt bò đủ các loại, từ 240-250 ngàn đồng/kg. Chị Trần Thị Xuân, chủ lô 22 khẳng định: “Giá trên đó có khi người ta viết từ trước Tết. Còn hiện nay giá thịt heo đang giảm dần, chỉ có thịt bò là cao do bò đưa vào giết mổ rất ít. Kiểu giá như chợ Nguyễn Kim thì người bán cũng phải thua, huống hồ chi khách hàng”.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gạo, đường bán trong các siêu thị Co.op Mart, Big C rẻ hơn với giá bên ngoài từ 500 đến 1.000 đồng mỗi loại như dầu ăn Cooking Tường An 40.500 đồng/lít, dầu Neptune 43.200 đồng/lít, bột ngọt Vedan 52.800 đồng/kg, Ajnomoto 58.300 đồng/kg, đường Biên Hòa 25.800 đồng/kg (giá trước thuế). Các loại rau, thực phẩm khác rẻ hơn giá chợ từ 3-15 ngàn đồng/kg như thanh long 20 ngàn đồng/kg, ếch sống 85 ngàn đồng/kg, cà chua 8.500 đồng/kg…
Có “ăn theo Tết”?
Thị trường hàng hóa năm nay được đánh giá là khá ổn định trên cả nước. Ngay cả sau Tết, nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu không khan hiếm do nguồn cung giảm như mọi năm. Dẫu vậy, tâm lý “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, nhiều hộ tiểu thương các chợ vẫn để trống quầy sạp để nghỉ ngơi. Theo quan sát của chúng tôi, hiện các chợ lớn có khoảng 70-75% số tiểu thương ra buôn bán trở lại. Điều này cũng có nghĩa, “trăm người bán đã có vạn người mua” thay vì “trăm người bán trăm người mua” như mọi khi.
Nhìn vào việc bày biện hàng hóa tại các chợ và siêu thị có thể khẳng định là không thiếu, đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, thậm chí có nhiều hàng thực phẩm còn rẻ hơn trước và trong Tết. Hải sản cũng về nhiều, giá về mức trước Tết. Chỉ có lươn, ếch, cá lóc đắt hơn từ 10-20 ngàn đồng/kg so với trước đây, cá biệt ếch tăng trên 30 ngàn đồng/kg. Nhiều hàng ăn, dịch vụ giá vẫn giữ mức sát Tết, nghĩa là cao hơn trước Tết. Giá sữa tăng từ 5-19% rồi đến lượt giá gas tăng 40.000 đồng/bình… Qua đó có thể thấy thị trường hiện chưa ổn định, nhiều mặt hàng vẫn giữ giá cao.
Gần như thành quy luật, Tết là dịp giá cả được đẩy lên rất cao và rất ít mặt hàng thiết yếu trở về giá cũ như thường ngày. Người dân hết sức lo lắng khi thu nhập không tăng mà giá cả “lên rồi đứng đó”, không biết khi nào trở về giá trị thực của nó. Liệu các cơ quan quản lý Nhà nước có kiểm soát tình hình giá cả có chiều hướng “ăn theo Tết” như hiện này?
DUYÊN ANH