Là một trong 3 xã thuộc khu vực đồng bằng của huyện Hòa Vang, Hòa Phước có 693ha đất tự nhiên, trong đó có 378ha đất canh tác, dân số 10.953 người của 2.752 hộ, phân bổ tại 10 thôn. Là cửa ngõ phía nam của thành phố, có quốc lộ 1A chạy qua, vì vậy bên cạnh sản xuất nông nghiệp, các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp (TTCN), thương mại-dịch vụ (TMDV) ở Hòa Phước khá phát triển. Thu nhập bình quân người dân năm 2011 là 20 triệu đồng.
Ông Lê Thiên (bên phải) và nhiều hộ đã làm giàu từ nuôi chim cút. |
Đối chiếu với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, đến nay Hòa Phước đạt 11 tiêu chí, 8 tiêu chí chưa đạt là: Quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, môi trường. Theo UBND xã, các tiêu chí chưa đạt do sự đầu tư của cấp trên chưa kịp thời, một số trường học nằm trong khu vực quy hoạch nên không đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất tại các nhà họp thôn chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống giao thông nông thôn, nhất là kiệt xóm hình thành từ lâu, nên còn hẹp, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, các hình thức tổ chức sản xuất chưa hoàn thiện… Hòa Phước đề ra mục tiêu huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2013 sẽ hoàn thành 8 tiêu chí còn lại.
Ông Võ Trần Minh Long, Chủ tịch UBND xã cho hay, một trong những nội dung có ý nghĩa quyết định đến kết quả xây dựng nông thôn mới là đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân. Nhiều năm nay, chính quyền, nhân dân trong xã đặc biệt chú trọng lĩnh vực này. Hiện tại ở Hòa Phước, lực lượng lao động phân bố khá đều trên cả ba lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp (CN) TTCN và TMDV. Cụ thể, 2.017 lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 35%; 2.213 người thuộc lĩnh vực CN-TTCN, chiếm 38% và 1.513 người thuộc lĩnh vực TM-DV. Toàn xã có 2 trang trại chăn nuôi tập trung và 90 nông trại gia đình, hàng chục doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực CN, TTCN và TMDV. Đây cũng là địa phương có mức sống khá đồng đều, đến nay chỉ còn 2,18% hộ nghèo. Hầu như gia đình nào cũng có một nghề để mưu sinh, thu nhập khá ổn định.
Đang ở giai đoạn đầu của quá trình xây dựng nông thôn mới nhưng đến thôn Trà Kiểm rất dễ nhận thấy bức tranh nông thôn mới hiện rõ. Đây là thôn văn hóa, trù phú, không chỉ cơ sở hạ tầng nông thôn hoàn thiện mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân khá cao. Hộ nào cũng ở nhà xây khang trang, trong đó hơn 10% xây nhà tầng. Hiện toàn thôn có hơn 80 hộ đang nuôi gia cầm quy mô lớn, thu nhập bình quân từ 300 - 500 triệu đồng/hộ/năm. Gia đình ông Lê Thiên có cuộc sống khá giả từ nghề nuôi chim cút 7-8 năm nay, với tổng đàn khoảng 20 nghìn con. Ông Thiên cho biết, mỗi năm trừ hết các khoản chi phí, lãi ròng trên 400 triệu đồng. Thu nhập cao, có điều kiện xây dựng cơ ngơi nhà cửa, đời sống dư dả và con cái học hành đến nơi đến chốn.
Hòa Phước đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới bằng các hành động rất thiết thực và hiệu quả. Hiện tại xã đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở thôn Trà Kiểm 5ha; vùng trồng hoa, cây cảnh tại thôn Nhơn Thọ 1, Tân Hạnh, Quá Giáng 1 với 15ha; vùng sản xuất lúa giống 5ha tại các thôn Trà Kiểm, Tân Hạnh và vùng tái định cư cho các hộ bị sạt lở ven sông 2ha. Đặc biệt, thực hiện chủ trương mở rộng hệ thống giao thông nội bộ đáp ứng yêu cầu của tiêu chí này, 25 hộ dân đã tự nguyện hiến 773m2 đất ở, đất vườn để nâng cấp 5 tuyến đường từ 3m lên 5m. Hàng trăm hộ khác cũng tự nguyện đập bỏ tường rào, cổng ngõ phục vụ cho việc mở đường này. Cùng theo đó, địa phương huy động sự đóng góp của nhân dân 276 triệu đồng để bê-tông hóa các tuyến đường. Điều người dân Hòa Phước đang rất cần, đó là gần 100% hộ chưa có nước sạch. Bao đời nay họ phải dùng nước ngầm tại chỗ vốn bị nhiễm phèn.
Cùng với quá trình đô thị hóa đang tiến nhanh về Hòa Phước, các làng quê vùng này thay da đổi thịt từng ngày từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành và mỗi nhà chung sức xây dựng nông thôn mới. Tin rằng Hòa Phước sẽ đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2013.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU