Tiếp tục trong tháng 3 này, nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá nhẹ. Trong khi đang phải lo chống đỡ trong vòng xoáy của giá cả, những ngày gần đây, thông tin về việc sắp thu phí giao thông đường bộ với các loại xe cơ giới, rồi việc rục rịch tăng giá điện... lại khiến người dân lo ngay ngáy.
Nhiều mặt hàng chịu ảnh hưởng từ giá xăng dầu. |
Sức mua giảm khiến các đại lý phải chia sẻ bớt mức chiết khấu để giá không tăng quá cao. Đa số người tiêu dùng chỉ mua những sản phẩm thật sự cần thiết và so sánh giá rất kỹ, dùng nhiều biện pháp thay thế đến mức tiết kiệm có thể. Đơn cử như để hạn chế tiêu tốn nhiên liệu gas, các quán ăn, nhà hàng sử dụng cả than đá và củi, thế nhưng thời gian gần đây, giá than đá cũng tăng từ 2.000 đồng/viên lên mức 3.000 đồng/viên và hiện tại là 4.000 đồng/viên; than củi cũng tăng từ 500 - 1.000 đồng/kg. Nhiều gia đình chuyển sang nấu ăn bằng điện và cũng khá nhiều gia đình lao động, đông người phải chuyển sang nấu than đá…
Nhiều người lo ngại, sau khi giá xăng, gas tăng, cộng với những thông tin về đợt tăng lương sắp tới sẽ khiến giá của nhiều hàng hóa, dịch vụ tiếp tục “leo dốc”. Một “cuốc” xe ôm từ Công viên 29-3 đến đường Trần Phú như trước đây chỉ mất 10 - 15 ngàn đồng, nhưng nay bác tài xế dứt khoát đòi tới 25 ngàn đồng. Để tiết kiệm mỗi thứ một ít, nhiều sinh viên và người dân trước đây chê xe buýt thì hiện tại phải chấp nhận chọn phương tiện công cộng này.
Ở nhóm hàng vật liệu xây dựng như đá, gạch, sắt, thép… cũng bắt đầu “ngấm” theo giá xăng dầu. Ông Nguyễn Nho Chắn, Giám đốc Công ty TNHH Nho Chiến (hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản) tính rằng: Chi phí dầu để sản xuất của ngành khai thác khoáng sản sẽ chiếm khoảng 45% trong tổng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Giá dầu được điều chỉnh đợt này lên 1.000 đồng/lít ít nhiều đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Chắn cho hay, giá bán các loại đá vẫn chưa tăng, tuy nhiên “trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng giá mỗi khối đá khoảng 1.000 đồng để bù đắp vào giá xăng dầu tăng”.
Mặc dù các doanh nghiệp khai thác đá hiện chưa điều chỉnh giá bán, song giá đá xây dựng ở các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng đã tăng từ 7 - 10 nghìn đồng/khối. Cũng trong tháng 3 này, nhiều doanh nghiệp thép đã bắt đầu tăng giá thép xuất xưởng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Các doanh nghiệp thép, xi-măng đang “than khó” do giá nguyên-nhiên liệu như dầu, than tăng cao làm đội thêm chi phí sản xuất, trong khi đó từ đầu năm đến nay, họ phải kìm giá bán.
Theo Cục Thống kê thành phố, xăng dầu tăng giá đã tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,2% so với tháng trước. Trong khi 70% hàng hóa phục vụ cho thị trường Đà Nẵng được đưa về từ các địa phương khác, chi phí vận chuyển tăng đang có nguy cơ đẩy giá của các mặt hàng thiết yếu khác. Sự tác động này chưa thể hiện rõ rệt trong CPI tháng 3, nhưng sẽ tác động mạnh mẽ trong tháng 4 và 5 tới. Thời điểm lễ 30-4, 1-5 đang đến gần, trùng với dịp thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, nhiều khả năng tác động đến mặt bằng giá hàng hóa trên địa bàn. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Công thương rà soát thị trường, làm việc với các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn, chủ động nguồn hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm không để thiếu hàng gây sốt giá. Nếu xác lập được các yếu tố để tăng giá hàng hóa, dịch vụ thì phải có lộ trình điều chỉnh, tránh tình trạng tăng giá đồng loạt.
Thành phố cũng giao Sở Công thương phối hợp tổ chức Phiên chợ hàng Việt tại quận Ngũ Hành Sơn vào cuối tháng 3, nhằm phục vụ nhân dân những mặt hàng trong nước có chất lượng với giá giảm từ 5 - 20% so với giá thị trường. Để hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại, đơn vị xuất khẩu đứng vững trong giai đoạn này, theo ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, Sở đang kiến nghị với UBND thành phố phân bổ nguồn Quỹ đầu tư và phát triển, nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và chủ động được nguồn hàng phục vụ cho thị trường.
Bài và ảnh: D.ANH - P.ANH