Biển cả bao la với nguồn lợi hải sản gần như vô tận. Nguồn lợi ấy chỉ dành cho những ai gắn bó chung tình với biển trên tàu công suất lớn tại ngư trường xa bờ.
Hải sản chất lượng cao từ đánh bắt xa bờ. |
Với diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2, bờ biển dài hơn 3.200km, nước ta có tiềm năng to lớn về khai thác hải sản. Năm 2011, hơn 130 nghìn tàu cá lớn nhỏ, trong đó trên 13 nghìn tàu đánh bắt xa bờ (loại từ 90 CV trở lên) của 28 tỉnh, thành đã đánh bắt được 2,2 triệu tấn hải sản. Nhiều địa phương có đội tàu đánh bắt hải sản hùng hậu như Quảng Ngãi 5.560 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ hơn 1.700 chiếc; Bình Thuận 8.720 chiếc, tàu đánh bắt xa bờ 1.580 chiếc; Kiên Giang 11.845 chiếc, tàu đánh bắt xa bờ 3.058 chiếc. Các địa phương này đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá và sản lượng hải sản hằng năm từ 170 - 300 nghìn tấn. Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng, nơi có âu thuyền, bến cảng, chợ đầu mối và khu công nghiệp dịch vụ thủy sản… thuộc loại hiện đại hiện có hơn 1.700 tàu cá, trong đó 163 tàu đánh bắt xa bờ, năm 2011 sản lượng đạt 34 nghìn tấn.
Với ngư dân Đà Nẵng, chuyến biển 10-15 ngày của tàu công suất lớn đưa về trên 20 tấn cá, trị giá 600-700 triệu đồng đã khá phổ biến. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, chủ tàu có trong tay 300-370 triệu đồng, ngư dân mỗi người hơn 20 triệu đồng. Điển hình trong số đó là tàu ĐNa 90351, công suất 500 CV, hành nghề lưới vây của ông Lê Văn Chiến, ở tổ 4 phường Xuân Hà (Thanh Khê). Năm 2011, tàu này bám biển 9 chuyến, đưa về khoảng 160 tấn hải sản các loại. Từ đầu năm đến nay, 2 chuyến ra khơi đều trúng đậm.
Chuyến mới nhất cập bến ngày 9-3, đưa về 22 tấn hải sản, trị giá 740 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, chủ tàu hưởng 372 triệu đồng. Mới đây, tàu ĐNa 90269 của ông Nguyễn Thân, ở tổ 28 phường An Hải Bắc (Sơn Trà), cập bến đưa về 25 tấn cá, trị giá 900 triệu đồng. Hoặc như cặp tàu công suất lớn của ông Phạm Phương, ở tổ 29 phường An Hải Bắc, chuyến nào cũng đưa về trên 30 tấn hải sản. Nhờ đánh bắt xa bờ, từ người làm công, ông Phương trở thành chủ tàu, nhiều năm liền đạt danh hiệu Nông dân SXKD giỏi cấp thành phố và toàn quốc. Gần cuối năm ngoái, tàu ĐNa 90370 của ông Đào Ngọc Bé ở tổ 26 phường Thanh Khê Đông (Thanh Khê), sau 45 ngày bám biển Hoàng Sa, đưa về 30 tấn mực khô, trị giá gần 4 tỷ đòng, ngư dân thu nhập 65-70 triệu đồng/người.
Chủ tàu Nguyễn Thân cho biết: Quá trình đánh bắt, sử dụng máy dò ngang không chỉ giúp tàu đạt năng suất cao mà tiết kiệm nhiên liệu. Có mẻ lưới kéo lên gần chục tấn cá toàn loại chất lượng cao. Không ít chuyến, cá nhiều, trong khi khoang thuyền đã đầy ắp, đành phải trả lại biển. Mấy chuyến gần đây, chuyến nào cũng đưa về hơn 20 tấn, chủ tàu thu 240-250 triệu đồng, ngư dân góp cổ phần mua lưới trên 40 triệu đồng/người. Nếu như có tàu hậu cần nghề cá, ngư dân bám biển lâu hơn và thu nhập sẽ cao hơn nhiều.
Có thể nói, đánh bắt hải sản xa bờ đã đem lại hiệu quả cao. Cũng nhờ vậy, chủ tàu đánh bắt xa bờ nào ở Đà Nẵng cũng có đời sống khá giả. Hiện tại, nhiều chủ tàu chỉ đầu tư tàu và ngư lưới cụ, không ra khơi vẫn thu tiền tỷ từ 55 - 60% trị giá các chuyến biển. Không những vậy, đánh bắt hải sản đem lại cơ hội việc làm cho nhiều người. Đây cũng là hoạt động vừa đưa từ biển về nguồn của cải giá trị, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Từ cơ sở đó, các địa phương có tiềm năng về biển đều coi đánh bắt hải sản là ngành kinh tế mũi nhọn.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: NGUYỄN CẪU