.

Đôi điều về tuyển dụng lao động

.

Lĩnh vực đào tạo lao động của Đà Nẵng theo đánh giá của các doanh nghiệp thể hiện qua chỉ số PCI chưa phản ánh đúng nhận thức về bức tranh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.

Đào tạo lễ tân du lịch.
Đào tạo lễ tân du lịch.

Chuyển dịch cơ cấu lao động

Giai đoạn 1997 - 2005, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động giữa các ngành của thành phố Đà Nẵng diễn biến khá khác biệt. Tỷ trọng lao động của ngành nông nghiệp có xu hướng giảm dần từ 33% xuống 14%. Trong khi đó, cơ cấu lao động ngành công nghiệp lại có xu hướng tăng lên rõ rệt từ  29,8% lên 35,3%.

Giai đoạn 2006 đến 2011 có thể được xem là thời kỳ đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của ngành dịch vụ với sự chuyển dịch lao động mạnh mẽ  ra khỏi ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng từ 37,2% đến 57,4% trong cơ cấu lao động. Những con số này cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu lao động là hoàn toàn phù hợp và song hành với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

Để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, Đà Nẵng tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng  dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp (tỷ trọng dịch vụ 54-60%, công nghiệp 44-39%, nông nghiệp 2-1%), trong đó chú trọng chuyển biến về chất trong thành phần kinh tế, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao, có năng lực cạnh tranh  quốc gia và quốc tế.

Với mục tiêu chính là phát triển dịch vụ và công nghiệp công nghệ cao, Đà Nẵng sẽ ưu tiên tập trung đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Theo quy hoạch của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, việc đào tạo lao động phổ thông sẽ giảm đi đáng kể để phù hợp với quá trình tái cơ cấu kinh tế thành phố. Chính vì vậy, nguồn lao động phổ thông sẽ không được chú trọng đào tạo. Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng, trong giai đoạn 2005-2010, 70% công nhân lao động trong các KCN trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến từ các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình được các cơ sở tại Đà Nẵng hỗ trợ đào tạo ngắn hạn. Thời gian gần đây, khi các KCN, các doanh nghiệp ra đời ở các địa phương trên đã thu hút một lượng lớn lao động phổ thông trở về, khiến Đà Nẵng càng thiếu nguồn lao động phổ thông vốn đã khan hiếm tại chỗ.

Trong năm 2011, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tuyển dụng lao động phổ thông qua đào tạo ngắn hạn đã gặp khó khăn. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương bình và Xã hội thành phố cho biết: “Tại các phiên chợ việc làm, lực lượng lao động phổ thông trong ngành may mặc, giày da luôn ở trong tình trạng cung không đủ cầu. Ngay cả Công ty TNHH Điện tử Việt Hoa cũng chỉ tuyển được vài trăm lao động  trong khi nhu cầu lên đến 1.000 lao động”.

Hướng đi mới

Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ có thể được xem là doanh nghiệp khá thành công trong những năm gần đây trên địa bàn thành phố. Với nhu cầu lên đến 7.000 lao động phổ thông thì chắc chắn thị trường Đà Nẵng  không thể cung ứng nổi. Trước nhu cầu mở rộng sản xuất, đơn vị đã nhạy bén chuyển hướng mở rộng địa điểm đầu tư vào Quảng Trị - nơi còn “khát” các dự án đầu tư - để bảo đảm có nguồn lao động phổ thông. Đây là hướng đi đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Đà Nẵng. Cách làm này cần được các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông lưu ý.

Những ngành nghề dựa trên lợi thế nguồn lao động phổ thông giá rẻ nhưng nhu cầu về các vấn đề an sinh xã hội lại rất lớn thì chính sách của Đà Nẵng không còn khuyến khích. Hướng tập trung cho các ngành dịch vụ và công nghệ cao của thành phố là điều mà các doanh nghiệp cần thấy rõ để có kế hoạch chủ động về địa điểm, lĩnh vực đầu tư và tuyển dụng lao động.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.