.

Đón khách xem pháo hoa trên tàu du lịch: Ngại bị tàu cá “xâm lấn”

.

Cùng với sự chuẩn bị chu đáo cho du khách xem pháo hoa trên thuyền, là nỗi lo bị tàu cá, tàu cát “xâm lấn” của các chủ tàu du lịch trên sông Hàn.

Các chủ tàu du lịch trên sông Hàn sơn sửa lại tàu đón khách xem pháo hoa.
Các chủ tàu du lịch trên sông Hàn sơn sửa lại tàu đón khách xem pháo hoa.

Đề nghị quản lý chặt chẽ tàu cá và tàu cát

Theo phản ánh của nhiều chủ tàu du lịch (TDL), tình trạng lộn xộn của các tàu cá, tàu cát của Đà Nẵng và cả Hội An trong hai đêm pháo hoa các năm trước đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đón khách trên sông. Các chủ TDL cho hay, trước đây, khi pháo hoa bắt đầu bắn, hàng trăm chiếc tàu cá, tàu cát ào ào từ cầu Nguyễn Văn Trỗi chạy về khu vực dành riêng cho các TDL, phá vỡ trật tự và chặt đứt tung dây neo của tàu bạn để kiếm đường đi một cách rất hung hăng. TDL phải tìm đường né và chạy tán loạn để khỏi bị tổn thương.

Trong khi đó, tàu cá, tàu cát dù không bảo đảm các điều kiện về phao cứu sinh, phòng chống cháy nổ, các phương án cứu hộ… nhưng vẫn chào mời, đón hàng trăm lượt khách lên tàu của mình, bất chấp vấn đề an toàn cho người trên tàu. “Những tàu trên thường có máy rất mạnh, kết cấu lại to hơn TDL rất nhiều, nếu tông phải thì tàu chúng tôi chỉ có nước xụi lơ, không địch nổi. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính, đóng thuế, phí đàng hoàng cho Nhà nước phải chịu thiệt thòi, trong khi các tàu cá, tàu cát không phải lo gì nhưng lại lấn át hết”, một chủ TDL bức xúc.

Dù trụ trên sông Hàn nhiều năm, các chủ TDL đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” trước sự chèn ép của các tàu cá, tàu cát vì sợ ảnh hưởng đến khách du lịch trên tàu. “UBND thành phố cần sớm có biện pháp quản lý hiệu quả đội ngũ này, nếu cho đậu thì phải đậu cách xa khu vực TDL. Những trường hợp hung hăng, bất chấp quy định phải bị rút giấy phép và phạt thật nặng để hạn chế tình trạng trên, gây ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch chung của thành phố”, nhiều chủ TDL kiến nghị.

Ràng buộc bằng hợp đồng, tránh nâng giá lên cao

Việc mua đi bán lại vé xem pháo hoa trên thuyền của một số công ty, cá nhân, khiến mức giá này bị đẩy lên cao gấp 2-3 lần giá gốc cũng là vấn đề gây đau đầu cho không ít chủ TDL. “Nhiều ông không hề có tàu nhưng vẫn in vé bán cho hàng trăm người. Đến ngày đi, nếu không hợp đồng được với TDL thì kêu đại tàu cá đi. Khách vì chuyện đã rồi, đành theo chân xuống tàu nhưng sau đó về phản ứng rất dữ”, một chủ tàu (đề nghị không nêu tên) phản ánh. Ông Đặng Hòa, quản lý hai tàu Hàn Giang và Tiên Sa cũng chia sẻ: “Chúng tôi bán theo giá quy định, nhưng bị các công ty này qua mặt, bán lại cho khách giá cao, làm mất uy tín quá! Năm nay, khi bán vé với số lượng lớn cho một công ty, cá nhân nào đó, chúng tôi sẽ ràng buộc rõ ràng bằng hợp đồng về số lượng chỗ ngồi và giá vé”. Ông dự kiến thuê thêm 2-3 chiếc tàu khác từ Hội An ra để phục vụ nhu cầu lên thuyền xem pháo hoa của người dân và du khách vì năm nào người mua vé cũng rất đông. “Năm nay, chúng tôi mong thành phố quy định những chỗ đón, trả khách thuận tiện tại khu vực trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cầu Hòa Xuân… như năm ngoái, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách lên thuyền”, ông Hòa kiến nghị.

Đối với những chủ TDL trên sông Hàn, dịp pháo hoa được xem là cơ hội khai thác khách mạnh nhất trong năm. Dù còn hơn một tháng nữa mới tới ngày pháo hoa khai diễn, ông Trần Văn Minh, một gương mặt “mới toanh” của “làng” TDL đã lo sơn phết tàu Minh Trần để chuẩn bị đón du khách. Cạnh đó, tàu Mỹ Xuân của ông Trần Văn Tạo và nhiều TDL khác cũng sửa sang, cắm cờ chờ khách. Theo ông Tạo, để phòng ngừa kẹt đường trong hai đêm pháo hoa, ông sẽ đón khách sớm từ đường Bạch Đằng lúc 16 giờ 30, chở khách dạo sông Cẩm Lệ, sông Hàn và quay về ở khu vực tập trung gần cầu Sông Hàn trước giờ pháo hoa khai diễn khoảng 20 phút. Để giúp vui cho du khách trong khi chờ đợi xem pháo hoa, các chủ tàu đều có kế hoạch tổ chức giao lưu, văn nghệ, thơ ca trên suốt hành trình dọc những con sông.

Bài và ảnh: HẰNG VANG


 

;
.
.
.
.
.