.

Giao chỉ tiêu tăng trưởng Ngân hàng: Tiền có chạy lòng vòng?

.

Nhằm khoanh vùng và đưa vào diện kiểm soát đặc biệt những ngân hàng (NH) tăng trưởng tín dụng quá nóng - một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu trong thời gian qua - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành phân loại tín dụng theo 4 nhóm và giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng nhóm.
 

ACB dự kiến sẽ cho vay từ 17.000 tỷ đồng đến 18.000 tỷ đồng trong năm 2012.
ACB dự kiến sẽ cho vay từ 17.000 tỷ đồng đến 18.000 tỷ đồng trong năm 2012.

Theo đó, NH nhóm 1 được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 là 17%, nhóm 2 là 15%, nhóm 3 là 8% và nhóm 4 (nhóm có nguy cơ mất an toàn và phải tái cơ cấu) không được tăng phần trăm nào. Điều này đã tạo nên cuộc đua lãi suất (LS) mới. Trước hết, phải kể đến cuộc đua hạ LS cho vay ở nhóm các NH lớn vừa qua đã tạo nên hiệu ứng tốt cho thị trường. Việc phân loại tín dụng của NHNN bước đầu được đánh giá là tích cực vì sẽ giúp cải thiện thanh khoản toàn hệ thống, giúp hạn chế tăng trưởng của các NHTM ở mức phù hợp hơn, giảm áp lực huy động vốn, giúp mặt bằng LS giảm.

Trong khi các NH nhỏ khao khát mà không được hạn mức tăng trưởng tín dụng như ý thì các NH lớn thuộc nhóm 1 lại dè dặt, lo không xài hết chỉ tiêu được giao. Cuộc chiến giành khách càng trở lên bất tương xứng giữa NH lớn với NH nhỏ hơn. Trong khi các NH nhỏ ra sức ưu đãi người gửi tiền thì các NH có chỉ tiêu tín dụng cao lại thi nhau ưu tiên khách vay tiền... NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) mới đây cũng đã giảm LS xuống còn mức khá thấp là 14,5%/năm và tập trung vào gói thu mua nông sản để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các hộ nông dân có đầu ra tốt... Cùng thời điểm này, NH Á Châu (ACB) có chương trình “Tín dụng ưu đãi LS dành cho DN xuất nhập khẩu” tập trung vào gạo, thủy sản, điều, xăng dầu, nhựa, sắt thép. NH Quốc tế (VIB) tuyên bố dành gói tín dụng quy mô 4.000 tỷ đồng với LS thấp hơn bình quân 1,5% một năm so với thông thường, dành cho các DN sản xuất, xuất nhập khẩu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, cà-phê, thủy sản, đồ gỗ, dệt-may… với mong muốn thu hút khách hàng đến với mình ngày một nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, nhận xét: Việc NHNN áp hạn mức tín dụng cho từng NH đã tạo tín hiệu tốt cho thị trường LS huy động, đồng thời tránh được việc “đi đêm” LS để đua huy động, không làm méo thị trường liên NH.

Quyết định phân nhóm của NHNN lại đang khiến các NH nhỏ điêu đứng khi đứng trước nguy cơ khách hàng rút tiền khỏi NH mình và gửi vào các NH được xếp ở nhóm 1, 2. Do tâm lý khách hàng thường băn khoăn về “sức khỏe”, tình hình thanh khoản của từng NH. Sự kiện này cũng đã châm ngòi cho một cuộc đua mới khi các NH đã tranh thủ tung ra các chính sách mới để thu hút khách hàng. Bên cạnh những chiêu thức giữ chân khách hàng phổ biến, hàng loạt các NH lớn, nhỏ tìm cách thu hút khách hàng với nhiều ưu đãi và hỗ trợ kèm theo.

LS cao thì NH khó cho vay, nên đương nhiên phải giảm LS huy động để có thể hạ LS cho vay. Nhưng làm sao để giảm mặt bằng LS là mối quan tâm hàng đầu hiện nay, không chỉ của DN mà của chính các NH. Với mặt bằng LS quá cao hiện nay, DN càng làm càng lỗ, nên có một thực tế là nhiều NH có tiền, hạn mức tín dụng dồi dào cũng không cho vay ra được. Mà để giảm LS, chỉ riêng hệ thống NH nỗ lực là không đủ, vì chính sách tiền tệ chỉ đóng góp một phần trong kiềm chế lạm phát. Như quy định về trần LS tiền gửi, nhiều NH tìm đủ cách lách, vì NH nào cũng muốn dùng hết mức tín dụng đã được NHNN cấp cho mình. Tuy nhiên, điều này cũng dễ xảy ra tình trạng dòng vốn chạy lòng vòng qua các NH khác nhau trước khi tới tay DN. Bằng các nghiệp vụ bảo lãnh, gửi tiền lẫn nhau..., NH thiếu có thể bắt tay với NH thừa để dùng hết số chỉ tiêu được giao.

Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN

;
.
.
.
.
.