.

Hãy bảo vệ mình

.

Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) đang là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm hiện nay, bởi thực trạng quyền và lợi ích NTD bị xâm phạm đang diễn ra khá phổ biến. Dù các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành những công việc cần thiết nhằm hỗ trợ NTD một cách tốt nhất nhưng thực trạng này vẫn chưa giảm.

Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình.
Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình.

Nhiều NTD dường như bế tắc, không tự bảo vệ được mình, bởi không nắm rõ được quyền, nghĩa vụ của mình. Bên cạnh đó, NTD luôn đối mặt với nhiều hành vi gian lận, ảnh hưởng đến quyền lợi như gian lận trong đo lường, các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Chính từ thực tiễn đó, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là công cụ thực sự mạnh mẽ và cần thiết đối với NTD trong bối cảnh thị trường còn chứa đựng nhiều bất ổn cho NTD hiện nay, tạo tâm lý yên tâm khi trao đổi, mua bán trên thị trường.

Tuy nhiên trên thực tế, hầu như NTD chưa quan tâm đến Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD. Theo ông Đoàn Ngọc Minh, Ủy viên Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD thành phố, rất nhiều NTD chưa biết đến quyền của mình trong quá trình giao dịch, lựa chọn, mua bán hàng hóa. Chỉ khi hàng hóa có vấn đề, NTD mới tìm đến cơ quan quản lý, tổ chức Hội để cầu cứu. Nhiều trường hợp, NTD chấp nhận phần thua thiệt chỉ vì lý do không biết kêu ở đâu. Nếu có tìm đến với Hội thì nhiều người vẫn còn rất mơ hồ trong việc chứng minh nguồn gốc hàng hóa, bởi khi mua hàng, họ không quan tâm đến việc lấy hóa đơn, phiếu bảo hành. Nếu có thì trong phần ghi trên hóa đơn hay phiếu bảo hành, người bán cũng ghi rất chung chung, nên khi khiếu kiện thì không có cơ sở pháp lý để xử lý. Đã có nhiều trường hợp NTD bị các cơ sở sản xuất, nhà phân phối từ chối bảo hành, vì trong phiếu bảo hành không ghi ngày tháng mua hàng, không ghi tên, địa chỉ người mua…

Lời khuyên của cơ quan chức năng là trước hết NTD hãy tự bảo vệ mình trước khi tìm đến với Hội cũng như các cơ quan chức năng khác, như khi mua hàng phải lấy hóa đơn, chứng từ, phải xem xét hàng hóa thật kỹ trước khi mua, xem hàng hóa có thuộc diện bảo hành, bảo dưỡng không, trong phiếu bảo hành phải ghi đầy đủ các thông tin như thời hạn bảo hành, hình thức bảo hành, các linh kiện được thay thế trong bảo hành…

Theo quy định của pháp luật, NTD phải có quyền được cung cấp thông tin chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà mình mua, sử dụng, thế nhưng trên thực tế, NTD chưa hẳn có được quyền này và nhiều trường hợp khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ không đạt hiệu quả, NTD cũng không được giải quyết triệt để. Cũng theo ông Minh, đã từng xảy ra nhiều trường hợp như vậy. Mới đây, một người đến Hội khiếu nại việc mua một sản phẩm điện tử, chỉ vừa rời khỏi cửa hàng chưa quá 100 mét, khi phát hiện máy có lỗi, người này quay lại xin đổi máy khác, nhưng nhân viên lật sau thân máy lên, có phần nhãn phụ ghi, hàng mua rồi không đổi lại… nên đành chịu thua. Cũng có trường hợp NTD đến Hội khiếu nại việc sản phẩm không bảo đảm chất lượng, nhưng khi đến cửa hàng thì trong phiếu bảo hành ghi nguệch ngoạc không rõ ràng tên cửa hàng, tên người mua… nên cửa hàng từ chối bảo hành. Rơi vào các trường hợp trên, phần thiệt thòi luôn thuộc về NTD. Có hai nguyên nhân dẫn tới tình trạng NTD tự tước quyền của mình là chưa biết tới 8 quyền lợi chính đáng, căn bản của NTD và do tâm lý e ngại mất thời gian khiếu kiện, không biết khiếu kiện có đạt kết quả hay không. Mặt khác, Hội chỉ có quyền đại diện quyền lợi NTD đệ đơn khiếu nại, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về vi phạm pháp luật gây phương hại đến NTD, chứ không có quyền xử phạt hay truy cứu trách nhiệm nhà sản xuất. Vì vậy về cơ bản, NTD vẫn phải tự bảo vệ mình là chính, trước khi nhà sản xuất bị pháp luật “hỏi thăm”.

Bài và ảnh: THÀNH LÂN
 

;
.
.
.
.
.