.

Không dễ thu hồi nợ quá hạn

.

Việc giải quyết dư nợ quá hạn từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại các địa phương đang gặp khó khăn, chủ yếu do các hộ vay chưa phát triển kinh tế hiệu quả và di dời chỗ ở.
 

Nhiều phụ nữ không phát triển kinh tế gia đình hiệu quả nên chậm hoàn vốn vay. (Ảnh minh họa)
Nhiều phụ nữ không phát triển kinh tế gia đình hiệu quả nên chậm hoàn vốn vay. (Ảnh minh họa)

Theo Ban đại diện HĐQT Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng, hiện dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị-xã hội chiếm tới 97% trong tổng số dư nợ của đơn vị, với 777 tỷ đồng. Trong khi đó, khi chính sách tiền tệ trở nên chặt chẽ hơn, lãi suất vay vốn trên thị trường tăng cao đã khiến không ít người vay cố tình kéo dài thời gian trả nợ khi đến hạn, làm nợ quá hạn tăng, gây khó cho việc xử lý nợ tồn đọng. Ngoài ra, nợ quá hạn từ chương trình cho vay trực tiếp đối với HSSV là 5 tỷ đồng nhận bàn giao từ Ngân hàng Công thương, chiếm tỷ trọng 18% trong tỷ lệ nợ quá hạn nhưng rất khó liên hệ để thu hồi, làm tăng tỷ lệ nợ quá hạn.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Mai, Chủ tịch Hội LHPN phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), dù được đánh giá xử lý nợ hiệu quả và có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất quận (2,26%), nhưng phường này vẫn có tổng dư nợ khá lớn là 15 tỷ đồng tính đến cuối năm ngoái. Chị Mai giải thích: “Từ khoảng giữa năm ngoái đến nay, NH Trung ương mới cho phép chúng tôi thu hồi vốn theo hình thức thu tiết kiệm hằng tháng tùy khả năng kinh tế của hộ vay, còn trước đó người dân cứ ỷ lại, chỉ trả lãi chứ không chịu trả gốc, chúng tôi đi vận động rất khó”. Đối với những hộ quá nghèo, Hội LHPN phải giải quyết cho vay đáo hạn, để người nghèo có thể kéo dài thời gian vay và thời gian trả nợ. “Ngoại lệ, có nhiều trường hợp coi đó là tiền Nhà nước không chịu trả, nhiều khi còn tỏ thái độ hung hăng với cán bộ đi thu hồi nợ”, chị Mai cho hay.

Trên địa bàn có nhiều hộ giải tỏa, tái định cư như phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), việc thu hồi vốn lại gặp khó khi nhiều hộ đã di dời chỗ ở nhiều nơi. “Công an phối hợp với chính quyền địa phương và cả phía NHCSXH tìm lại tổ trưởng trước đây để đối chiếu và thu hồi nợ. Còn những hộ vẫn ở trên địa bàn, chúng tôi vẫn huy động theo hình thức tiết kiệm”, chị Trần Thị Tuyết Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết. Theo Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng, do thực hiện cải cách hành chính, người dân bán nhà chỉ làm thủ tục mua, bán qua công chứng, không qua tổ dân phố, phường, xã nên những người bán nhà, chuyển đi nơi khác mà chính quyền không thể biết. Bên cạnh đó, nhiều dự án thực hiện di dời, giải tỏa, tái định cư gây khó khăn trong việc quản lý hộ vay. Vì vậy, việc tìm kiếm các hộ vay đã đi khỏi nơi cư trú mất rất nhiều thời gian, nhưng hiệu quả không cao.

Hiện nay, để thực hiện tốt việc xử lý và thu hồi nợ chiếm dụng, xâm tiêu và nợ xấu, Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng phải phối hợp với các cơ quan pháp luật và Ban xử lý nợ tồn đọng tại các xã, phường. Tuy nhiên, NHCSXH lại chưa có cơ chế trích kinh phí trả thù lao cho các cơ quan trên trong việc phối hợp xử lý nên chưa khuyến khích họ tích cực hơn.

Bài và ảnh: P.KHÁNH

;
.
.
.
.
.