.

PCI Đà Nẵng tụt hạng, vì sao?

.

Vì sao dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền cũng như chất lượng lao động giảm sút lại là những nguyên nhân chính khiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng tụt hạng từ vị trí thứ nhất 3 năm liền xuống thứ 5 năm 2011. Từ kết quả không vui này, Đà Nẵng phải gấp rút làm những việc gì để có thể sớm lấy lại vị trí đã mất?

Đà Nẵng cần tập trung xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao khi thị trường lao động giá rẻ không còn là ưu thế của thành phố. (Ảnh mang tính chất minh họa)
Đà Nẵng cần tập trung xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao khi thị trường lao động giá rẻ không còn là ưu thế của thành phố. (Ảnh mang tính chất minh họa)

Đâu là nguyên nhân?

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp phát triển ổn định, đặc biệt là trong xu thế chuyên môn hóa cao và toàn cầu hóa sâu sắc hiện nay. Đối với các nhà máy sản xuất, lắp ráp phương tiện vận tải, điện tử, dệt may, cơ khí... thì công nghiệp hỗ trợ là điều kiện hàng đầu cho việc thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, hoạt động của các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn. Ví dụ như ngành dệt may, đây là ngành chủ lực của thành phố nhưng có gần 80% nguyên liệu vải, phụ kiện may phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, những dịch vụ phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài như trường học quốc tế, bệnh viện chất lượng cao... chưa đáp ứng yêu cầu.

Đối với các nước, một nền công nghiệp phát triển hiệu quả là các điều kiện sản xuất, tiêu thụ được khép kín theo một vòng tròn tương tác lẫn nhau. Sản phẩm của ngành này là nguyên liệu cho ngành kinh tế khác. Rõ ràng dù đã có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều lần được khẳng định trong các nghị quyết về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng trên thực tế vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt nào trong lĩnh vực này. Không thể đi tắt theo kiểu “đón đầu” mà không dựa trên một nền tảng của một chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp với đặc điểm của thành phố, chi tiết và theo một lộ trình hợp lý.

Chính sự nghèo nàn về nguyên liệu và hạn chế về thị trường, sự chắp vá của công nghiệp hỗ trợ làm cho môi trường đầu tư của thành phố có những “lỗ hổng”. Có thể thấy rằng, trong mấy năm qua, các lĩnh vực dễ tạo đột biến về môi trường đầu tư, thành phố đã khai thác tối đa, việc tạo ra thêm các động lực mới được các địa phương tận dụng tốt, trở thành điểm thu hút tích cực hơn.

Hiện dân số thành phố Đà Nẵng xấp xỉ 1 triệu người, trong đó nguồn lao động chiếm 58%. Nhưng thành phố vẫn thiếu những công nhân lành nghề, những kỹ sư giỏi mà hầu như mọi doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang khao khát tìm kiếm. Vì sao với cả chục trường đại học và cao đẳng, với hệ thống đủ các cấp trường dạy nghề nhưng Đà Nẵng vẫn thiếu nguồn nhân lực cao để đáp ứng cho các doanh nghiệp?

Hiện nay thiếu và nếu không nhanh chóng tạo bước đột phá trong lĩnh vực này thì trong tương lai chính yếu tố lao động chất lượng cao sẽ là cản trở lớn cho sự phát triển của thành phố. Cần nhấn mạnh rằng, lao động chất lượng cao không chỉ là những chuyên gia, những kỹ sư mà còn cả những người lao động bình thường. Họ có thể là người công nhân thành thạo trong một dây chuyền sản xuất, hay ngay một anh bảo vệ cũng phải làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.

Hiện mỗi năm có khoảng 15.000 sinh viên trên địa bàn thành phố tốt nghiệp, nhưng có lẽ vẫn còn thiếu một sự tương tác tích cực giữa cung và cầu lao động. Đó là chưa kể đến tình trạng chảy chất xám, lao động có trình độ chuyên môn cao sẵn sàng chuyển đi nơi khác, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, nơi có chính sách hỗ trợ và thu nhập cao hơn. Vì những lý do này mà thành phố vẫn thiếu lao động lành nghề, có trình độ cao, có khả năng ngoại ngữ tốt và thiếu nhân sự quản lý...

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chia sẻ: Chính sách đãi ngộ của các doanh nghiệp đối với người lao động là quá thấp, vì thế không thể thu hút hay giữ chân người lao động, nhất là người lao động có tay nghề cao.

Ông An nêu ví dụ: Công ty ITG Phong Phú, do sự mâu thuẫn giữa các chủ liên doanh nên dừng hoạt động, cho nghỉ việc hơn 3.000 công nhân có tay nghề. Rất nhiều doanh nghiệp muốn nhận số công nhân này để giảm thời gian đào tạo lại, nhưng không thể thu dụng được. Lý do chính là vì lương, thưởng quá thấp, đãi ngộ yếu hơn, việc nghĩ lễ, phép ngặt nghèo hơn, tiền ăn giữa ca cũng ít hơn... Phải chăng người lao động chấp nhận “thất nghiệp tự nguyện” vì không thỏa mãn với mức lương và điều kiện làm việc? Bản thân các doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan cần xem lại các chính sách hỗ trợ. Tiền lương, chỗ ở, điều kiện làm việc... đang là những thách thức mà việc khắc phục không thể một sớm, một chiều.

Bên cạnh hai nguyên nhân chính trên có lẽ vẫn phải kể đến những hạn chế về  mặt thủ tục hành chính. Mặc dù thành phố đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính như việc thực hiện cơ chế “một cửa” tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư nhưng các thủ tục khác như hải quan, thuế, quản lý ngoại tệ, xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Cơ chế “một cửa” trong lĩnh vực đầu tư không thể thực hiện được nếu thiếu sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan như: Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất... Tuy nhiên, thời gian qua, sự phối hợp này chưa thành quy chế thống nhất nên việc xúc tiến, triển khai dự án chưa thể biểu hóa về mặt thời gian và kết quả là Trung tâm Xúc tiến đầu tư phải “chạy đến nhiều cửa” để thực hiện “vai trò đầu mối”, giải quyết công việc cho nhà đầu tư.            

Bài và ảnh: MAI TRANG
 

;
.
.
.
.
.