.

Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa

.

Sau 10 năm (từ 2002-2012), từ chỗ chỉ có 1 siêu thị, đến nay thành phố Đà Nẵng đã có gần 30 siêu thị tổng hợp và chuyên ngành, 88 chợ truyền thống lớn nhỏ, hàng ngàn cửa hàng kinh doanh, doanh nghiệp thương mại Nhà nước và tư nhân. Có thể nói, sự sôi động của hoạt động phân phối tạo ra một thị trường hàng hóa hết sức đa dạng và cạnh tranh.

Doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển kênh phân phối chợ truyền thống.
Doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển kênh phân phối chợ truyền thống.

Tại Hội thảo về “Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ thành phố Đà Nẵng tới năm 2020” mới đây, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng sau 4 năm gia nhập WTO, thị trường Việt Nam khởi sắc và ngành công nghiệp bán lẻ đã khẳng định vai trò và vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Năm 2010, Việt Nam nằm trong top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề làm sao để các nhà bán lẻ nội địa có thể cạnh tranh với các tập đoàn phân phối hàng hóa quốc tế, khi nhiều người dân cắt giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu trong thời điểm kinh tế nhiều biến động?

Theo một khảo sát của Masso Group, mức độ tiêu dùng của người dân thông qua phương thức phân phối hiện đại khá khiêm tốn. Trong khi chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa chiếm trên 40% sự lựa chọn của người dân, thì kênh bán trực tiếp chỉ chiếm 6%, siêu thị chiếm 10%. Mặc dù gần đây, tâm lý tiêu dùng và thói quen sử dụng dịch vụ hiện đại của người dân Đà Nẵng có phần thay đổi, song tỷ lệ người có điều kiện tới siêu thị mua sắm chỉ khoảng trên dưới 30%. Kênh phân phối chợ và cửa hàng bán lẻ tư nhân vẫn có sức hút riêng vì phù hợp với sự đa dạng thu nhập của người dân. Hàng hóa qua hệ thống phân phối ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ đứng được một số ít khu vực trung tâm thành phố.

Một thách thức khác đối với các nhà phân phối nội địa là cuộc “chạy đua” không cân sức với các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực về tài chính lẫn kinh nghiệm. Sau Metro, Big C, Lotte sẽ chính thức có mặt tại Đà Nẵng. Những nhà bán lẻ hàng đầu thế giới này chấp nhận đầu tư kinh doanh khó khăn những năm đầu để có được chỗ đứng trên thị trường bán lẻ ở trong nước.

Đánh giá về thị trường Đà Nẵng, nhiều nhà kinh doanh nhìn nhận: Đà Nẵng có môi trường đầu tư khá thuận lợi với các chính sách thông thoáng, cơ sở hạ tầng đang hoàn thiện, các dịch vụ phát triển. Bên cạnh đó, dân số đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người tăng lên, nhu cầu mua sắm tiêu dùng được kéo theo, khiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa không ngừng “tham vọng” mở rộng phạm vi kinh doanh.

Phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020”, thành phố đã đề ra các chỉ tiêu tăng trưởng đối với tổng mức bán buôn, bán lẻ tăng bình quân lần lượt là 20%/năm, 17%/năm giai đoạn 2010-2020. Phấn đấu tăng tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đối với hệ thống phân phối hiện đại và hệ thống phân phối truyền thống văn minh trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố lên mức 30% - 35% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020. Theo quy hoạch, mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố tới năm 2020 sẽ được phân bổ phù hợp với không gian phát triển của đô thị, với tổng vốn đầu tư xã hội là 15.000 tỷ đồng.

Trong 10 năm tới, Đà Nẵng tập trung xây dựng 3 chuỗi phân phối hàng hóa quan trọng, bao gồm vật tư hàng hóa mang tính chiến lược, các dịch vụ công cộng, thực phẩm tươi sống; dần hình thành những tập đoàn phân phối có sức cạnh tranh và hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp nước ngoài. Đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành thương mại để tới năm 2020 chiếm tỷ trọng 55,6% GDP của thành phố. Kiện toàn những khu chợ truyền thống phát triển song song với những trung tâm thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Để thực hiện các mục tiêu cụ thể, thành phố đưa ra các giải pháp nhằm phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giảm chi phí, tạo kênh phân phối và nguồn hàng ổn định. Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối của các cơ sở bán lẻ bằng cách mở rộng các điểm bán hàng, tổ chức các hội chợ - giới thiệu hàng hóa, các chương trình khuyến mãi; tổ chức các đợt bán hàng lưu động, đưa hàng hóa về các vùng nông thôn. Thực hiện mô hình các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ liên kết và hợp tác với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, khuyến khích tiêu dùng cá nhân…

Bài và ảnh:DUYÊN ANH

 

;
.
.
.
.
.