Một trong những nội dung quan trọng Nghị quyết 33 ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước đề cập là “có kế hoạch và bước đi trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nay đến năm 2010 theo hướng cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, sau năm 2010 chuyển sang cơ cấu dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. Vậy mà đến nay, nhân lực cho ngành du lịch vẫn thiếu.
Đào tạo nghề du lịch tại Trường Trung cấp nghề Việt - Úc. |
Không “ nhạy” với dự báo
Năm 2005, Đà Nẵng có 29 dự án đầu tư về du lịch với tổng số vốn đầu tư 553 triệu USD. Đến năm 2010, có 55 dự án đầu tư về du lịch với tổng số vốn đầu tư lên đến 2.835 triệu USD. Về cơ sở lưu trú, năm 2005 có 85 khách sạn với 2.670 phòng, đến giữa năm 2011 đã có hơn 203 khách sạn từ một đến năm sao, 10 nhà khách và 172 nhà nghỉ với tổng cộng hơn 11.000 phòng. Mỗi năm nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch Đà Nẵng cần thêm từ 8 - 10 ngàn người.
Sự phát triển khá ngoạn mục của dịch vụ lưu trú và nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đã được dự báo theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. Nhưng dường như Đà Nẵng đã thiếu sự nhanh nhạy về cơ hội đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch cho cả Đà Nẵng và Quảng Nam. Đến năm 2007, Đà Nẵng mới có trường đào tạo nghề chuyên về du lịch đầu tiên của tư nhân, đó là Trường Trung cấp nghề Việt - Úc. Mỗi năm trường đào tạo vài trăm đến một ngàn học viên, đủ các nghề trong ngành du lịch. Trong khi đó, đề án Trường Cao đẳng nghề du lịch Đà Nẵng sau nhiều năm triển khai mới thành hiện thực. Năm học đầu tiên 2011-2012, trường mở được vài lớp đào tạo với hơn 280 học viên ở một số chuyên ngành Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch, Kỹ thuật chế biến món ăn và 1 lớp trung cấp nhà hàng.
Cơ hội lớn, nhu cầu lớn ai cũng thấy nhưng xã hội vẫn không tập trung vào việc đầu tư cho đào tạo nhân lực du lịch. Phải chăng chính sách kêu gọi đầu tư của Đà Nẵng đã quá tập trung vào phần cứng là các resort, các khách sạn mà quên tập trung vào lĩnh vực phần mềm là nguồn nhân lực?
Doanh nghiệp thiếu tầm nhìn
Sự lệch pha trong cơ cấu đầu tư ngành du lịch đang tạo ra khoảng cách ngày càng xa giữa cung và cầu nhân lực. Theo kinh nghiệm của Trường Trung cấp nghề Việt - Úc, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường thể hiện tính chuyên nghiệp trong chiến lược nhân sự. Ngay từ khi khởi công dự án, họ đã bắt tay đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực để đón đầu dự án ra đời. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước không chú trọng hoặc quên, hoặc cố ý không đầu tư chi phí đào tạo nhân lực. Các trường nghề thì chưa đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực quản lý cấp trung gian. Vấn đề xáo trộn và cạnh tranh căng thẳng về lao động chất lượng cao là tất yếu khi Đà Nẵng và Quảng Nam có các dự án du lịch đồng loạt đi vào hoạt động và nhiều cơ sở kinh doanh du lịch tuyển dụng theo kiểu “ăn xổi”, chào mức lương cạnh tranh cao hơn.
Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, đình trệ. Tuy nhiên đối với ngành đào tạo nhân lực du lịch vẫn được cho là lên ngôi. “Nếu có thêm cơ sở vật chất phục vụ đào tạo thì tốc độ tăng trưởng không chỉ dừng lại ở con số 30%/năm”, ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Việt - Úc nói. Hiện nay, một số dự án du lịch tạm hoãn hoặc giãn tiến độ đầu tư. Tuy nhiên khi “bão” khủng hoảng tài chính đi qua, sự phục hồi của các dự án du lịch chắc chắn sẽ kéo theo nhu cầu nhân lực du lịch cao hơn gấp 10 lần so với nguồn cung ứng tại chỗ. Vì vậy, Đà Nẵng cần tập trung xúc tiến đào tạo nhân lực ngay từ bây giờ.
Bài và ảnh: THU PHƯƠNG