.

Tiếp sức doanh nghiệp

.

Năm 2012, bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn chưa thật sáng như mong đợi. Trong điều kiện ấy, thành phố Đà Nẵng đã  có một số động thái tích cực để tiếp sức doanh nghiệp (DN).

Công ty Điện tử Foster sản xuất tai nghe điện thoại.
Công ty Điện tử Foster sản xuất tai nghe điện thoại.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hiện có 13 ngàn DN (chiếm 99% tổng số DN) là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), năm 2011 đóng góp 2.800 tỷ đồng cho ngân sách, tạo ra hơn 90% việc làm mới.

Theo kinh nghiệm của các nhà đầu tư Nhật Bản, DNNVV thường linh hoạt và dễ thích nghi với sự thay đổi, biến động của môi trường kinh doanh. Thế nhưng điều đó khó có thể xảy ra đối với hầu hết DN trên địa bàn thành phố vì đa số các DN đều nằm trong tình trạng siêu nhỏ, vốn đăng ký kinh doanh khoảng 4 tỷ đồng nhưng vốn thực hiện chỉ trên dưới 1 tỷ đồng. Khi nền kinh tế ở trong tình trạng thắt chặt tín dụng thì hàng chục ngàn DN siêu nhỏ trong cả nước đã rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Trong buổi nói chuyện với Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương đã nêu lên một số giải pháp cho bài toán nguồn vốn để DN vượt khó. Thứ nhất, thành phố sẽ củng cố, phát triển mạnh Quỹ Đầu tư phát triển, bổ sung thêm vốn để cho vay đối với các dự án sản xuất kinh doanh, xây dựng nhà xã hội và xuất khẩu. Thứ hai, thành phố ủng hộ Hiệp hội DNNVV và Hội Doanh nhân trẻ thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV khoảng vài trăm tỷ đồng.

Đây là nguồn vốn mở với sự đóng góp 50% từ các DN và 50% đối ứng của thành phố. Các thành viên tham gia vào Quỹ sẽ được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn khi có nhu cầu. Thứ ba, đề nghị ngành Thuế và Ngân hàng Nhà nước công khai kịp thời, rõ ràng chế độ thu nộp, giảm hoặc miễn thuế theo quy định của Nhà nước cho DN. Thứ tư, các DN phải lưu ý công tác kiểm toán, báo cáo tài chính để có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Thứ năm, các DN cần rà soát kỹ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, chỉ tập trung vào các lĩnh vực vốn ít, hiệu quả, cơ cấu lại lực lượng lao động và cắt giảm chi phí. Cuối cùng, để việc xây dựng KCN dành cho DNNVV sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất, thành phố khuyến khích, kêu gọi các DN thuê đất đầu tư hạ tầng và cho thuê lại.

 Hiệp hội DNNVV cho rằng thành phố cần có diễn đàn để các DN tham gia nhằm tạo sự liên hệ thân thiết, cùng tháo gỡ vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thành phố xem xét giảm giá thuê đất. Bản thân các DN phải tạo sự liên kết - liên doanh, hỗ trợ dùng sản phẩm của nhau. Ngoài ra,  việc hạ lãi suất ngân hàng vẫn chưa được xem là hấp dẫn để làm ăn có lãi, nên DN chỉ vay cầm chừng trong tầm kiểm soát.

Thực tế, những động thái tích cực từ chính quyền thành phố mới chỉ phần nào tiếp sức DN trong lúc nguy khó. Niềm tin của DN cần được xây dựng từ các chính sách kinh tế vĩ mô và khả năng dự báo về nền kinh tế hiện đang có quá nhiều biến động mà DN không lượng định được.

Ông Văn Hữu Thiết, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV thành phố Đà Nẵng chia sẻ:
"Khó khăn lớn nhất của DNNVV là chính họ cũng không biết khó khăn gì là lớn nhất vì có".

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương nói:
"DN cũng phải thích nghi, tự vươn lên, chủ động điều chỉnh để tồn tại và phát triển. Nếu DN không tự nỗ lực vượt lên, mà vẫn cứ mong đợi Chính phủ trợ vốn, hay kêu trách ngân hàng".

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG

 

;
.
.
.
.
.