.

Bước tiến ngành dệt-may

.

Kết thúc năm 2011, tất cả các doanh nghiệp (DN) dệt-may của thành phố đều có tăng trưởng từ 15% đến trên 30%  so với năm 2010. Kết quả này đã không phụ sự kỳ vọng của thành phố khi chọn dệt-may là một trong những sản phẩm chủ lực của Đà Nẵng trong những năm qua.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm quần Âu của Công ty CP Dệt-may 29-3.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm quần Âu của Công ty CP Dệt-may 29-3.

Thế mạnh của ngành dệt-may là giải quyết việc làm cho đông đảo lao động. Hiện lao động tại các DN dệt-may trên địa bàn thành phố khoảng trên 10 ngàn người, chưa kể hàng ngàn lao động phụ trợ khác. Mỗi năm toàn ngành đem về trên 100 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu và hàng chục tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Đứng đầu trong các cơ sở dệt-may là Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ (Hòa Thọ) với trên 70 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu vào năm 2011 và giải quyết việc làm cho trên 7 ngàn lao động. Tiếp sau đó là các đơn vị như Công ty CP Dệt-may 29-3 (Công ty 29-3), Công ty CP Vinatex, Công ty CP Dệt Hòa Khánh (Dệt Hòa Khánh)... đã giữ được ổn định sản xuất, luôn có tăng trưởng và giải quyết một lực lượng lao động đáng kể.

Rất nhiều sản phẩm của các DN trong ngành đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước như giày thể thao của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Hữu Nghị (Hữu Nghị), các sản phẩm may mặc của Hòa Thọ, áo sơ-mi của Công ty 29-3, màn tuyn và vải các loại của Dệt Hòa Khánh… Đây là kết quả của quá trình kiên trì xây dựng DN với những bước đi vững chắc. Điều đáng mừng là hầu hết các sản phẩm được thị trường ưa chuộng đều do các đơn vị tự thiết kế và sản xuất. Tỷ lệ hàng trực tiếp xuất khẩu ngày càng cao so với hàng gia công. Nhờ vậy, lợi nhuận cũng khá hơn, có điều kiện đầu tư công nghệ và thiết bị mới, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thương trường. Đặc biệt năm 2011, Hòa Thọ đã đưa vào hoạt động cơ sở may com-lê xuất khẩu, góp phần tăng doanh thu lên hàng trăm tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Từ đầu năm đến nay, Công ty 29-3 đã giải quyết việc làm mới cho gần 500 lao động nhờ mở rộng sản xuất ngành may, nhờ vậy vẫn giữ được các thị trường lớn như Mỹ và các nước Tây Âu.

Công ty Hữu Nghị đã đầu tư hệ thống máy phun đế giày hiện đại công suất lớn, chuyên sản xuất các loại giày thể thao chất lượng tốt. Với thiết bị này, năm 2012, công ty dự kiến sản xuất khoảng 1,6 triệu đôi giày các loại, cao nhất từ trước đến nay, thu nhập của người lao động đạt từ 3,8 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng. Đối với Dệt Hòa Khánh, mặc dù không trực tiếp xuất khẩu, nhưng nhờ kiên trì đầu tư thiết bị và đổi mới công nghệ nên sản phẩm của công ty cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu sản phẩm của các DN may xuất khẩu, riêng sản phẩm màn tuyn đã trở thành một thương hiệu có uy tín trong nước.

Được biết, toàn bộ các DN dệt-may thành phố đều có sản phẩm được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Mỗi DN ít nhất có từ 3 trung tâm và hàng chục cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm ở các thành phố lớn trong nước và thành phố Đà Nẵng. Doanh số bán hàng nội địa đã chiếm tỷ trọng khá so với tổng doanh thu của một số DN. Việc coi trọng tiêu dùng nội địa trong thời gian gần đây của các DN là hướng đi đúng và đang mở ra khả năng phát triển thị trường trong tương lai. Tuy nhiên, do sự phát triển của nguồn nguyên liệu trong nước còn hạn chế (toàn ngành mới chủ động được 40% sợi, khoảng gần 60% vải các loại và một ít phụ kiện) nên còn bị động, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nước ngoài. Rất ít DN có sản phẩm mà mẫu mã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ, việc xây dựng thương hiệu tuy đã được chú ý nhưng chưa có kết quả tích cực, nên có ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh trên thương trường. Đây là nguyên nhân chính làm cho một số DN vẫn phải gia công cho các DN nước ngoài, lợi nhuận thấp và bị động.

Giảm tỷ trọng hàng gia công, quan tâm đến xây dựng thương hiệu, nhất là khâu thiết kế mẫu mã… đang là những mục tiêu quan trọng mà các DN dệt-may phấn đấu nhằm tạo ra sự phát triển bền vững trong tương lai. Hy vọng với những kinh nghiệm có được trong thời gian qua, cũng như quyết tâm xây dựng DN với những bước đi bài bản, ngành dệt-may sẽ giữ được vị thế đáng trân trọng trong ngành công nghiệp thành phố.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.