.

Các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế

.

Ngày 9-4, Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2012 do Ủy ban kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của UNDP, đã tiếp tục chương trình thảo luận về vấn đề tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ,  mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng  và các định chế tài chính. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng tham dự diễn đàn.

Qua 2 ngày làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã kết luận 5 nội dung quan trọng mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần tổng hợp trình tại Kỳ họp Quốc hội sắp đến, phục vụ cho việc hoàn thành đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ.

Thứ nhất về xu hướng phát triển kinh tế  năm 2012, tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm, Việt Nam gặp nhiều khó khăn, cơ sở tăng trưởng yếu, dư địa chính sách bị thu hẹp.  Trong những tháng đầu năm, nền kinh tế có một số điểm sáng như lạm phát và đầu cơ giảm, dự trữ quốc gia tăng. Tuy nhiên, các chỉ số kinh tế cơ bản trong quý 1 năm 2012 cho thấy, năm nay, nền kinh tế nước ta sẽ khó đạt được mức tăng trưởng như năm 2011. Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý 1 năm 2012 ước chỉ đạt 4%, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Đoàn Chủ tịch diễn đàn. 				         Ảnh: THU PHƯƠNG
Đoàn Chủ tịch diễn đàn.                                                                             Ảnh: THU PHƯƠNG

Cùng với đó là vấn đề thanh khoản, sự sụt giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài, trầm lắng của thị trường bất động sản, chứng khoán, những công bố gần đây về một số lượng lớn doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động… Đây là những vấn đề cần chú ý trong điều hành chính sách vĩ mô. Để giữ được lạm phát ở mức một con số, đồng thời duy trì được tăng trưởng GDP khoảng 6% – 6,5% trong năm 2012 như mục tiêu đã đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, điều hành kinh tế vĩ mô những tháng còn lại của năm 2012 cần linh hoạt, tập trung quyết liệt hơn để huy động và phát huy tối đa sức mạnh nội lực của cả đất nước.

Thứ hai là vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao sức cạnh tranh. Nhiều ý kiến đề nghị cần phác họa rõ nét  về thể chế, chính sách để xây dựng mô hình tăng trưởng  kết hợp với nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời cần làm rõ hơn khái niệm về mô hình tăng trưởng và mô hình phát triển.

Thứ ba, về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trên cơ sở đánh giá thực trạng, vai trò của kinh tế Nhà nước và chỉ ra những hạn chế,  các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp cụ thể như cần hoàn thiện hành lang pháp lý, Luật Đầu tư công, phân tích chức năng chủ sở hữu toàn dân của Chính phủ, không dùng doanh nghiệp Nhà nước để điều tiết thị trường và bản thân các doanh nghiệp phải tự đổi mới về công tác quản trị, hạ tầng và công nghệ.

Thứ tư, vấn đề tái cơ cấu đầu tư công hiện nay tỷ lệ quá cao và có xu hướng tăng trong khi hiệu quả thấp. Bên cạnh đó vấn đề quy hoạch, kế hoạch, phân cấp, phân quyền trong đầu tư công còn nhiều bất cập do thể chế, giám sát và chế tài chưa nghiêm. Vì vậy  cần phải  tập trung thay đổi chức năng quản lý kinh tế Nhà nước. Theo đó, kinh tế Nhà nước chỉ cần tập trung vào một số ngành nghề, chống cơ chế xin-cho,  ưu tiên đầu tư vào khu vực tư nhân vì hiệu quả kinh tế xã hội ở khu vực này cao hơn.

Cuối cùng về tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, nhiều ý kiến đánh giá hệ thống hiện nay tuy có phát triển quy mô và chất lượng dịch vụ nhưng ở trong tình trạng dễ bị tổn thương. Thị trường chứng khoán chưa tương xứng trong khi cho ra đời quá nhiều công ty chứng khoán, nhiều ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư nhưng ngân hàng   có quy mô lớn  thì còn quá ít. Về tình hình nợ xấu rất đáng lưu ý do môi trường pháp lý và sự phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chưa chặt chẽ. Các giải pháp được đề xuất là phải quyết liệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt dựa vào 3 trụ cột. Đó là, phát triển hoàn thiện hệ thống giám sát tài chính, tiếp tục cổ phần hóa ngân hàng thương mại và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư minh bạch thông tin.

Tuy  nhiên tất cả các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế  phải được đặt vào hệ thống quan điểm đồng bộ, không nóng vội và phải có lộ trình, bước đi cụ thể để vừa giải quyết các vấn đề mang tính ngắn hạn, vừa gắn kết với sự khởi đầu mạnh mẽ của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong những năm tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng:

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại diễn đàn kinh tế mùa xuân 2012.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại diễn đàn kinh tế mùa xuân 2012.

Quốc hội có quyền lực nhiều hơn thì mới chấn chỉnh được nền kinh tế

Người dân không quan tâm đến tốc độ tăng trưởng GDP mà chỉ quan tâm đến  giá trị đồng tiền sử dụng mua bán hằng ngày. Đáng buồn là chúng ta có rất nhiều hội thảo, nhiều nhà khoa học và chuyên gia đưa ra ý kiến hay nhưng  được đưa vào thực tiễn quá ít. Nền kinh tế chúng ta suy yếu một phần chính là do bản thân chúng ta tạo ra như đầu tư dàn trải, cho phép thành lập quá nhiều ngân hàng. Giờ hậu quả là chúng ta phải cơ cấu lại .

Việc quản lý các tập đoàn hiện nay chỉ là hình thức vì đơn vị quản lý không quản lý vốn và con người. Đối với họat động của Quốc hội cần nâng cao hơn nữa để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Quốc hội có quyền lực nhiều hơn thì mới chấn chỉnh được nền kinh tế. Tôi đề nghị trong phần vượt thu lấy ra 30% bỏ vào bội chi ngân sách. Về đầu tư công để tránh cơ chế xin-cho phải thay đổi từ quy hoạch và Luật Ngân sách. Đối với ngân hàng có thể xóa tên một số ngân hàng yếu kém nhưng tuyệt đối không để đổ vỡ hệ thống.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng:

Tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ phải chia làm 2 giai đoạn: Từ 2011-2015 phải xử lý những yếu kém nhất định trong hệ thống ngân hàng thương mại. Từ 2016 đến 2020 tạo bước phát triển hệ thống ngân hàng  vi mô và vĩ mô. Sự quyết tâm chính trị cao sẽ quyết định thành công của quá trình tái cấu trúc.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.