.

Chấn chỉnh vi phạm Luật Doanh nghiệp

.

Theo đánh giá chấm điểm của các doanh nghiệp (DN) qua khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm vừa qua, chỉ số về tính minh bạch và tiếp cận thông tin của Đà Nẵng đạt 7,18 điểm, dẫn đầu trong tốp 5 thành phố lớn. Điều này cho thấy DN đánh giá rất cao khâu tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ đến các DN của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều DN vờ như không biết hoặc không chủ động tìm hiểu, dẫn đến không chấp hành luật pháp cũng như quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.

Tổ “một cửa” ở Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký giấy phép kinh doanh.
Tổ “một cửa” ở Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký giấy phép kinh doanh.

Có một nghịch lý đang diễn ra là DN tiếp cận cơ quan quản lý Nhà nước rất thuận lợi nhưng ngược lại, cơ quan quản lý Nhà nước không dễ tiếp cận chủ DN. Một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố than phiền phải khó khăn lắm mới có thể gặp được chủ DN để kiểm tra việc chấp hành các quy định theo Luật DN 2005. Ông Nguyễn Đức Xa, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có DN phải gửi thông báo đến lần thứ 3 mới “tiếp” cán bộ chuyên trách công tác hậu kiểm. Những lý do trì hoãn được đưa ra khá đơn giản như “văn phòng mất chìa khóa” hoặc “giám đốc bận đi công tác”... Kết quả hậu kiểm thường nằm ngoài sức tưởng tượng của cơ quan quản lý Nhà nước. Có DN đăng ký vốn điều lệ 36 tỷ đồng nhưng báo cáo tài chính chỉ có 3 triệu đồng. Còn lại hầu hết đều vi phạm điều khoản không có sổ theo dõi cổ đông, chưa báo cáo tiến độ góp vốn. Đây là những sai phạm nghiêm trọng về hành chính vì liên quan đến  quyền lợi của người lao động mà theo Nghị định 53/2007 của Chính phủ phải chịu mức phạt tiền cao nhất từ 7 đến 10 triệu đồng. Cũng có nhiều DN chỉ đăng ký trên giấy, không đăng bố cáo thành lập DN, không treo bảng hiệu với lý do “chưa được hướng dẫn”.

Theo kết quả thanh tra năm 2011 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có 64/64 DN được chọn ngẫu nhiên để thanh tra đã vi phạm các quy định về thành lập và quản lý DN. Trong đó chủ yếu là vi phạm về tiến độ góp vốn và lập sổ cổ đông. Đối với các DN mới thành lập  từ 1 đến 2 năm chỉ bị nhắc nhở và được hướng dẫn thêm, còn đối với 20 DN đã đi vào họat động 3 năm trở lên thì bị xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 35 triệu đồng.

Thông tin ở bảng hướng dẫn tại tổ “một cửa” nhưng hầu như không ai đọc.
Thông tin ở bảng hướng dẫn tại tổ “một cửa” nhưng hầu như không ai đọc.

Tất cả những thông tin này cho thấy, không ít DN đang lợi dụng sự thông thoáng về môi trường kinh doanh và Luật DN 2005 dẫn đến xem thường pháp luật. Bên cạnh đó, sự hiểu biết mơ hồ về pháp luật của các chủ DN cũng là nguyên nhân dẫn đến các sai phạm. Qua công tác thanh tra, hậu kiểm cũng bộc lộ sự yếu kém về mặt tài chính của đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm đến ngày 20-3, Đà Nẵng đã có 1.388 DN nhỏ giải thể, chấm dứt, ngưng họat động hoặc bỏ trốn, tập trung ở các lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh, không có DN sản xuất. Theo nhận định của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sự khó khăn về thị trường vốn đang tạo ra cuộc cạnh tranh sàng lọc những DN quá yếu, hoặc làm ăn theo kiểu chụp giựt, lừa đảo, coi thường pháp luật. Vì vậy, việc ngưng hoạt động của các DN đó cũng được xem là góp phần làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.

Đà Nẵng hiện có gần 13 ngàn DNNVV, nếu tiến hành hậu kiểm hoặc thanh tra đồng loạt thì con số DN sai phạm sẽ lên đến vài ngàn là điều có thể dự đoán được trên cơ sở hoạt động thanh tra, hậu kiểm thời gian qua. Để chấn chỉnh điều này, một mặt công tác quản lý Nhà nước cần hỗ trợ DN tiếp cận những thông tin cơ bản mà DN phải triển khai sau cấp phép như đăng bố cáo thành lập DN, bố cáo tiến độ góp vốn, treo bảng hiệu, lập sổ đăng ký thành viên, nộp báo cáo quyết toán tài chính hằng năm... Khi đã có hướng dẫn kỹ đến từng DN thì việc xử lý sai phạm sẽ không còn ở hình thức “giơ cao, đánh khẽ” như trong thời gian qua.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
        

;
.
.
.
.
.