Những tưởng đề án Chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân làm nghề khai thác cát, sỏi trên sông Túy Loan thuộc địa bàn xã Hòa Nhơn (Hòa Vang) sẽ mang lại niềm vui cho hàng trăm lao động, thế nhưng sau gần 3 năm thực hiện, không ít người vẫn chưa có việc làm ổn định.
Sông Túy Loan không còn bóng dáng của các ghe thuyền hút cát. |
Khó thực hiện
Ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết: Đề án Chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân chuyên khai thác cát, sỏi trên sông Túy Loan hiện đang vướng không ít khó khăn. Nếu trước đây, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép khá quy mô, làm xáo trộn điều kiện địa chất, hủy hoại môi trường, thất thu ngân sách đã diễn ra nhiều năm nay tại sông Túy Loan thuộc địa bàn xã, thì hiện tình trạng này đã chấm dứt. Tuy nhiên, nhiều người dân từng hành nghề này hiện vẫn chưa có công việc ổn định. Theo ông Dự, sau khi thành phố có quyết định cấm khai thác cát, sỏi trên sông Túy Loan, chính quyền địa phương đã gặp mặt 76 lao động chuyên khai thác cát, sỏi để nắm tâm tư, nguyện vọng về chuyển đổi nghề. 40 lao động có nhu cầu đăng ký học nghề như lái xe, sửa xe máy, bảo vệ, làm công nhân trong KCN Hòa Cầm. Chính quyền xã đã phối hợp với KCN Hòa Cầm cùng các DN hoạt động tại đây tạo điều kiện cho họ có việc làm ổn định. Hiện có trên 20 người làm việc ở các doanh nghiệp trong KCN Hòa Cầm. 21 lao động đã làm thủ tục đăng ký học lái xe, số lao động còn lại đăng ký học nghề sửa chữa điện tử, xe máy, cơ khí. Tuy nhiên, những lao động này vẫn chưa được “đến lớp”, do một số ngành nghề có quá ít người đăng ký học. Còn số đăng ký học nghề lái xe lại không nằm trong danh mục hỗ trợ nghề theo quy định.
Nông dân mong có nghề
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết lao động đã đăng ký học nghề theo đề án Chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân hành nghề khai thác cát, sỏi trên sông Túy Loan đều mong muốn có nghề ổn định. Em Võ Thanh Vũ (sinh năm 1993), xã Hòa Nhơn cho biết: “Do không có việc làm nên trước đây em thường đi theo mấy cô bác hành nghề hút cát sỏi trên sông để kiếm thu nhập phụ giúp gia đình. Khi chính quyền địa phương hỗ trợ cho người dân chuyển đổi ngành nghề, chúng em rất mừng nên đã đăng ký học lái xe. Thế nhưng do nghề này không được hỗ trợ học phí nên em đành bỏ và đi làm nghề phụ hồ”. Ngay cả những người đăng ký học nghề sửa chữa xe máy, máy may, điện tử… hiện cũng chưa “đến lớp” do số lượng đăng ký không đủ một lớp. Một số là lao động trên 50 tuổi đã có việc làm ổn định như bác Bùi Ngọc Thành, Lê Đức Trương làm bảo vệ trong KCN Hòa Cầm, số phụ nữ thì vào làm công nhân trong KCN Hòa Cầm. Số lao động tìm được việc mới chưa nhiều còn một phần do không hợp sở thích, hoặc không thích nghề “thiếu sự tự do”.
Để giải quyết việc làm lâu dài cho những hộ dân còn lại, ông Dự mong muốn thành phố xem xét hỗ trợ kinh phí học lái xe, hỗ trợ về vật chất cho các gia đình có ghe thuyền hành nghề khai thác cát trước đây. Đó cũng là mong muốn của các hộ có nhiều người làm nghề khai thác cát, sỏi được ổn định cuộc sống, tránh quay về nghề cũ.
Bài và ảnh: DUYÊN ANH