Trong những năm qua, Đà Nẵng có tốc độ phát triển nhanh. Giai đoạn 2006-2010, GDP toàn thành phố tăng bình quân 10,8%/năm và giai đoạn 2011-2015 dự kiến tăng từ 13,5% - 14,5%. Để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng của ngành Điện cũng phải tương đương, hoặc cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của GDP. Để đáp ứng điều này, Điện lực Đà Nẵng phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, phát triển và hiện đại lưới điện phân phối, bảo đảm khả năng cấp điện cho khách hàng với tổng kinh phí hằng năm hàng trăm tỷ đồng.
Nâng cấp đường dây 110 kV khu vực đường Lê Thanh Nghị. |
Dự báo năm 2012 và những năm kế tiếp, nhu cầu điện năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố sẽ ngày càng tăng cao với việc hình thành thêm nhiều KCN mới như KCN Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung, KCN Hòa Khương, các khu dân cư, khu đô thị mới. Đồng thời, với mục tiêu hướng đến “thành phố không dây” thì toàn bộ hệ thống lưới điện khu vực nội thành sẽ được ngầm hóa. Nhu cầu đầu tư cho lưới điện thành phố vì vậy đã trở thành vấn đề bức thiết. Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2011-2015 (có xét đến năm 2020), dự kiến phần vốn Điện lực Đà Nẵng phải huy động để đáp ứng nhu cầu điện năng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hơn 1.800 tỷ đồng. Riêng trong năm 2012, tổng mức vốn đầu tư xây dựng dự kiến 181,4 tỷ đồng, trong đó trả gốc vay các dự án, các công trình đã đầu tư xây dựng của những năm trước là 69,3 tỷ đồng, đầu tư cho lưới điện và lưới 110kV (bao gồm các công trình chuyển tiếp từ năm 2011 và các công trình được khởi công trong năm 2012) là 19,7 tỷ đồng và lưới điện phân phối 88,8 tỷ đồng, các công trình khác (phục vụ sản xuất) 3,6 tỷ đồng.
Song trong thực tế hiện nay, nguồn vốn tại chỗ rất hạn chế, nguồn vốn của công ty dành cho lĩnh vực đầu tư lại gần như không tăng. Các nguồn vốn tín dụng ưu đãi trong và ngoài nước dành cho các công ty Điện lực cũng rất ít, do phải tập trung ưu tiên cho các dự án điện lớn của hệ thống truyền tải quốc gia. Đó là chưa kể số vốn đầu tư cho việc ngầm hóa lưới điện theo quy hoạch mới với kinh phí gấp từ 5 đến 7 lần so với chi phí đầu tư lưới điện nổi hiện tại. Nếu đầu tư bằng nguồn vốn vay thì gặp không ít trở ngại, lãi suất vay thương mại cao, thủ tục vay phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian… gây không ít khó khăn cho đơn vị.
Song với nhiệm vụ chính trị được giao, thời gian qua và những năm tiếp đến, công ty vẫn nỗ lực huy động mọi giải pháp để đầu tư phát triển lưới điện, tránh xảy ra tình trạng quá tải dẫn đến việc cấp điện thiếu ổn định. Công ty đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng từ khâu chuẩn bị đến khi thực hiện đầu tư. Đối với các công trình tổ chức đấu thầu, quán triệt việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đấu thầu, chọn được nhà thầu có năng lực với giá thầu hợp lý. Thực hiện tiết giảm chi phí tư vấn thuê ngoài, nâng cao năng lực thẩm tra, thẩm định hồ sơ đầu tư để tránh các trường hợp gây lãng phí. Tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA đã vay được, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, tranh thủ đăng ký bổ sung dự án phù hợp tiêu chí cho vay. Trong đó ưu tiên cho việc đăng ký các dự án được vay vốn từ nguồn vốn ODA khác (như vốn từ JICA, KfW, WB…) như các dự án cải tạo lưới điện phân phối quy mô lớn hoặc đầu tư các công trình lưới điện 110kV. Cân đối khả năng về vốn để có chủ trương phù hợp trong việc thỏa thuận ranh giới đầu tư với khách hàng, tập trung vốn đầu tư của công ty cho các công trình trạm nguồn, các đường trục trung áp, trạm biến áp dân dụng và lưới hạ áp trong khu vực dân cư.
Tuy nhiên để giảm bớt áp lực về vốn đầu tư cho công ty, thành phố cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là việc thông báo sớm các quy hoạch (khu dân cư mới, khu công nghiệp…) để công ty chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm cấp đủ điện cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bài và ảnh: KIỀU ĐỨC