Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ngày 9-4, Hội Doanh nhân trẻ, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố Đà Nẵng và một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn vướng mắc hiện nay của mình. Trong đó, nổi bật là những kiến nghị về lãi suất, giá thuê mặt bằng, chi phí đầu vào, thị trường đầu ra...
Nhiều doanh nghiệp đang chịu lãi suất vay cao (ảnh mang tính minh họa). |
Mở đầu cho cuộc trao đổi, ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP SQ Việt Nam đề nghị chính quyền thành phố nên vào cuộc, “mổ xẻ” DN trên địa bàn để tìm ra những DN gặp khó khăn, vướng mắc thực sự trong quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD), từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực giúp DN vực dậy, vươn lên. Nhà nước cần áp dụng chính sách miễn giảm thuế, giãn thuế để góp phần giúp cho DN vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, đặc biệt là cần tạo điều kiện để DN tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất thấp, vì nếu yếu vốn, DN sẽ cực kỳ khó khăn trong khâu phát triển sản xuất. Đồng quan điểm đó, ông Trịnh Bằng Có, Giám đốc Công ty CP Phương Đông cho rằng: Con đường để DN tiếp cận nguồn vốn có lãi suất thấp hiện không đơn giản, chỉ rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn này. Để công bằng nên giám sát chặt đầu vào của các ngân hàng, bởi đầu vào thấp thì đầu ra mới thấp được. Đồng thời nên giảm tiền thuê đất, miễn giãn thuế và một số phí cho DN… Còn theo bà Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Á, Nhà nước nên nhanh chóng hạ lãi suất cho vay, nhất là thay đổi quy chế đối với lĩnh vực tín dụng như ban hành quy định khống chế trần lãi suất cho vay, không công bố những khoản nợ quá hạn để các DN có cơ hội vay tại các ngân hàng khác cũng như cho phép mua nợ, gia hạn nợ. Nếu được, nên đưa lãi suất cho vay về khoảng 15-16%/năm như năm 2010.
Theo ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hà Giang – Phước Tường, hiện nay nhiều DN cơ khí trong nước đã có thể sản xuất, chế tạo được những sản phẩm cơ khí có kết cấu, quy mô lớn, phức tạp về mặt kỹ thuật, công nghệ. Ưu tiên cho các DN trong nước tham gia sản xuất, cung cấp các sản phẩm, thiết bị cơ khí trong các dự án, công trình liên quan đến ngành công nghiệp cơ khí, thay vì nhập khẩu các sản phẩm này từ nước ngoài. Như thế vừa tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN phát triển vừa tiết kiệm được ngoại tệ do phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhiều DN hiện nay còn gặp khó khăn về mặt bằng hoạt động, vì vậy thành phố cần quy hoạch xây dựng KCN cho DNNVV.
Theo Hội Doanh nhân trẻ và Hiệp hội DNNVV thành phố, tình hình hoạt động SXKD của các DN trên địa bàn hết sức khó khăn. Khó khăn lớn nhất là vốn, lãi suất cho vay tuy giảm hơn so với năm 2011 nhưng vẫn còn rất cao so với khả năng chịu đựng của DN. Hiện có khoảng 82% DNNVV gặp khó khăn khi vay vốn tín dụng, hơn 80% khi được vay vốn phải chịu lãi suất rất cao từ 19 – 24%/năm, đáng quan ngại hơn là có đến từ 5 – 6% DN do khủng hoảng về thanh khoản, lại không vay được vốn của ngân hàng đã tìm đến tín dụng “đen”. Khó khăn tiếp đến là chi phí đầu vào.
Theo ông Phan Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, so với cùng kỳ năm 2011, trong quý 1-2012, chi phí đầu vào đã tăng trên 30%, trong khi đó giá bán đầu ra chỉ tăng từ 10 – 20%, thậm chí có một số sản phẩm không thể tăng giá bán do không cạnh tranh nổi về giá với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài không rõ nguồn gốc, xuất xứ được nhập khẩu ồ ạt vào thị trường trong nước. Thêm một khó khăn nữa là thị trường tiêu thụ, xuất khẩu bị sút giảm mạnh do kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hàng hóa tồn kho gia tăng, ứng đọng vốn, hiệu quả SXKD kém… đã khiến cho một số DN thua lỗ. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp trong Hiệp hội DNNVV, hầu hết đều có hàng tồn kho tăng mạnh, trong đó một số sản phẩm điển hình như sắt thép tồn kho hơn 40%, may mặc tồn kho khoảng 60%, thực phẩm tồn kho 35%… Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước cho biết thêm: Đối với nhóm ngành nghề chế biến thủy sản xuất khẩu, thị trường đầu ra ngày càng sụt giảm. Ngay cả các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ cũng bị thu hẹp do có sự cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại từ các nước Nam Mỹ xuất khẩu vào Mỹ, bên cạnh đó, giá bán sản phẩm cũng giảm mạnh từ 15 – 20%. Để có thể tồn tại và phát triển, hầu hết các DN cho rằng bên cạnh sự nỗ lực, tự thân vận động, cần có sự tiếp sức, hỗ trợ thiết thực, kịp thời của các cấp chính quyền và các cơ quan, ban, ngành hữu quan từ Trung ương đến địa phương.
Bài và ảnh: PHƯƠNG UYÊN