.

Khả năng phát triển kinh tế xanh

.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, tăng trưởng xanh hay kinh tế xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia như một động lực thúc đẩy, phục hồi kinh tế toàn cầu và công cụ để phát triển bền vững. Ở nước ta, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh là sự khẳng định thực hiện chiến lược kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.

Bờ biển đẹp đem lại cơ hội phát triển du lịch lớn cho Đà Nẵng.
Bờ biển đẹp đem lại cơ hội phát triển du lịch lớn cho Đà Nẵng.

Từ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của cả nước, nhìn về chiến lược phát triển kinh tế của Đà Nẵng có thể thấy những bước đi phù hợp mặc dù Đà Nẵng chưa đề cập trực tiếp đến mô hình kinh tế xanh. Điều này thể hiện rõ ở hướng lựa chọn chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đầu tư của thành phố trong nhiều năm qua. Bài viết này xin được phân tích môi trường kinh tế-xã hội của thành phố để nhìn thấy khả năng thành công của Đà Nẵng khi tham gia vào chiến lược tăng trưởng xanh của cả nước.

Điểm mạnh

Trải qua 25 năm thời kỳ đổi mới của cả nước và 15 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế-xã hội quan trọng để bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững. Trước tiên là nhờ chọn điểm xuất phát đột phá đầu tư  kết cấu hạ tầng, giờ đây Đà Nẵng đang ở trong lợi thế phát triển vượt trội so với nhiều địa phương khác, đặc biệt là các tỉnh, thành trong khu vực. Kết cấu hạ tầng, quy hoạch thành phố đến nay cơ bản hoàn chỉnh, tạo thuận lợi mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội trong những năm đến.

Bà Nà - một khu du lịch nổi tiếng (khách sạn trên đỉnh Bà Nà).
Bà Nà - một khu du lịch nổi tiếng (khách sạn trên đỉnh Bà Nà).

Với vị thế hội nhập ngày càng sâu rộng vào cộng đồng quốc tế, Đà Nẵng đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế địa phương. Đến nay, có 208 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đà Nẵng, đạt tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD. Môi trường đầu tư và chính sách ưu đãi của Đà Nẵng vẫn còn tiềm năng thu hút các dự án FDI của các tập đoàn đa quốc gia với công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của địa phương, kết nối với mạng sản xuất toàn cầu.

Chuyển dịch cơ cấu kinh kế thành phố giai đoạn 2006-2011 hợp lý và phù hợp với xu thế chung được thể hiện ở sự phát triển mạnh của ngành dịch vụ với tốc độ tăng trưởng bình quân 19,01%, chiếm tỷ trọng cao nhất trên 54,2% GDP vào năm 2011. Đến nay, Đà Nẵng đã có 55 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đầu tư 54.000 tỷ đồng, trong đó có 10 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng và 45 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 31.000 tỷ đồng. Các dự án của ngành “công nghiệp không khói” này đi vào hoạt động sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội của thành phố. Đà Nẵng đang phấn đấu phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch, tài chính, ngân hàng, giáo dục-đào tạo, y tế, bưu chính-viễn thông của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đây là những ngành nghề không phụ thuộc vào khai thác thô hay sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng lại chú trọng phát triển và sử dụng nguồn nhân lực và lao động chất lượng cao, mang lại doanh thu xã hội lớn. Khu vực sản xuất nông nghiệp phát thải nhiều khí nhà kính sẽ được chuyển dịch theo tỷ lệ giảm dần, còn khoảng 1%  trong cơ cấu kinh tế thành phố vào năm 2020.

Tháng 10-2008, Đà Nẵng phê duyệt đề án xây dựng “Thành phố môi trường”. Các tiêu chí đặt ra không chỉ là vấn đề môi trường nước, khói, không khí, quản lý chất thải rắn, cây xanh... mà bao gồm tất cả các lĩnh vực như môi trường văn hóa, an ninh trật tự xã hội. 5 KCN được triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với sự đầu tư thu gom xử lý của một doanh nghiệp độc lập. Thành phố có 4 trạm thu gom xử lý nước thải sinh hoạt của các hộ dân. Theo đề án, đến năm 2015, Đà Nẵng phấn đấu xử lý 100% nước thải, rác thải sinh hoạt, công nghiệp, y tế. Chương trình thành phố “5 không”, “3 có” đã đi vào cuộc sống, trở thành mục tiêu phấn đấu liên tục của Đà Nẵng từ năm 2000 đến nay.

Điểm yếu

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng, đặc biệt ở lĩnh vực công nghiệp chưa cao do trình độ công nghệ vẫn ở mức thấp nên suất tiêu hao nhiên liệu nhiều. Tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp diễn ra còn chậm chạp. Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, khả năng cạnh tranh sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu do phần lớn sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu ra đời cách đây vài chục năm. Các dự án đầu tư nước ngoài mang công nghệ hiện đại vào đầu tư sản xuất hạn chế, chỉ ở vài doanh nghiệp của Nhật Bản. Còn lại phần lớn các dự án FDI vào lĩnh vực sản xuất và các doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực của thành phố như chế biến thủy sản, giày da, may mặc vẫn là những lĩnh vực thâm dụng lao động và tài nguyên.

Việc thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đô thị, giải tỏa tái định cư gần 100 ngàn hộ dân đã tạo ra những tác động lớn về kinh tế, xã hội đối với các hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, nhất là nông dân. Đặc biệt, khi những điều kiện sản xuất, nguồn lực sinh kế bị mất đi, người dân có nguy cơ phải đối mặt với đói nghèo. Quá trình tháo gỡ những nút thắt trong vấn đề sinh kế cho người dân tái định cư ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế địa phương. Nếu thành phố không kết hợp hài hòa chính sách sẽ dễ dẫn đến những vấn đề mâu thuẫn xã hội.

Cơ hội và thách thức

Xu hướng quốc tế đang chuyển đổi sang kinh tế xanh. Chủ đề này được nhắc lại nhiều lần trong các diễn đàn khu vực và quốc tế và đang được các nước nghiêm túc xem xét áp dụng. Tại Hội nghị diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mới đây ở Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo APEC cũng đã thông qua Tuyên bố Honolulu và thống nhất năm 2012 phát triển danh mục hàng hóa môi trường (hàng hóa xanh) và giảm thuế quan đối với các mặt hàng này vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang được Chính phủ thực hiện với quyết tâm cao.

Đà Nẵng còn có tiềm năng về năng lượng tái tạo khá lớn như năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng mặt trời, nhưng chưa được khai thác phục vụ cho nền kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt khác, để phát triển nền kinh tế xanh, cần phải có sự cải thiện mạnh mẽ về năng lực công nghệ. Nếu không cẩn trọng, thành phố cũng sẽ đối mặt với nguy cơ đón nhận làn sóng di chuyển công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển hơn. Mô hình KCN công nghệ cao của Đà Nẵng sẽ phải cần có thời gian để tìm hiểu, xây dựng hướng phát triển sao cho phù hợp và hiệu quả nhất, để có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chí về KHCN tiên tiến và bảo đảm cả tiêu chí công nghệ sạch theo định hướng phát triển Thành phố môi trường.

Những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng cũng sẽ đứng trước thách thức khi bị các nước áp đặt tiêu chuẩn môi trường cao hơn. Khả năng của các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu gia nhập thị trường thế giới sẽ khó hơn do nền tảng và điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn có hạn.

Đúng hướng tăng trưởng xanh

Chiến lược phát triển kinh tế bền vững của thành phố Đà Nẵng chính là sự bao quát mô hình tăng trưởng xanh. Tất cả công việc mà Đà Nẵng đang làm nhằm tiến tới sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững. Sự tăng trưởng ấy sẽ được đánh giá cụ thể bằng mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 Đà Nẵng trở thành một thành phố công nghiệp, có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức, một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, một thành phố hấp dẫn và đáng sống” (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX, nhiệm kỳ 2011-2015).  Sự lựa chọn đầu tư và phát triển kinh tế của Đà Nẵng đã sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước. Tuy nhiên, con đường đến với “nền kinh tế xanh thực sự” của Đà Nẵng nhanh hay chậm đòi hỏi phải có sự đổi mới thực sự trong tư duy phát triển và quyết liệt trong hành động cụ thể.

Có nhiều cách diễn đạt khác nhau của các tổ chức quốc tế về kinh tế xanh nhưng đều quy tụ ở 3 điểm chính. Đó là nền kinh tế thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu biến đổi khí hậu; nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, hao tổn ít nhiên liệu, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái, đổi mới công nghệ; nền kinh tế tăng trưởng bền vững, xóa đói giảm nghèo và phát triển công bằng.

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.