.

Khắc phục “bệnh thừa tiền” trong tái cơ cấu kinh tế

.

(ĐNĐT) - Tái cơ cấu thị trường tài chính cần khắc phục được “bệnh thừa tiền”, bởi nền kinh tế thừa tiền gây ra lạm phát, doanh nghiệp thừa tiền có nghĩa đầu tư kém hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận về đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: CTV
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận về đề án tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: VnEconomy

Đây là ý kiến được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ra tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19-4 thảo luận về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Hiển đề nghị làm rõ khác biệt giữa tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bởi vấn đề này đã được tranh luận rất nhiều tại kỳ họp Quốc hội vừa qua. Ông cho rằng tái cơ cấu kinh tế sẽ bao hàm cả chuyển dịch kinh tế và sự cơ cấu lại mang tính đột phá.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, trong tái cơ cấu thị trường tài chính cần khắc phục được “bệnh thừa tiền”, bởi nền kinh tế thừa tiền gây ra lạm phát, doanh nghiệp thừa tiền có nghĩa đầu tư kém hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ nên xây dựng hệ thống các chỉ tiêu để cảnh báo các rủi ro, ví dụ như nợ công, xuất nhập khẩu, thị trường lao động.

Theo quan điểm của Chính phủ, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế bao gồm tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại; tái cơ cấu thị trường chứng khoán và các định chế tài chính; tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời phát triển mạnh về quy mô và nâng cao chất lượng doanh nghiệp dân doanh; tái cơ cấu ngành kinh tế và cơ cấu vùng kinh tế theo hướng cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ phù hợp với các vùng, điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Thống nhất với những định hướng này, nhiều ý kiến cho rằng trước hết cần xác định mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2012-2020 có bao nhiêu đề án thành phần và lộ trình thực hiện tái cơ cấu. Đề án cần bổ sung định hướng những lĩnh vực sẽ được tái cơ cấu, phù hợp với 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.

Đối với những Đề án đã được phê duyệt và ban hành do yêu cầu cấp thiết của quá trình tái cơ cấu, cần tiếp tục thực hiện và sẽ có sự điều chỉnh cần thiết sau khi đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được thông qua để bảo đảm sự, hài hòa, thống nhất và hợp lý trong khuôn khổ chung. Trong 10 năm tới, tái cơ cấu kinh tế nên thực hiện theo hướng: Chính phủ chỉ hoạch định cơ chế chính sách và chọn một số khâu đột phá trong đó sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước, chủ thể thực hiện không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

Nâng cao năng lực “mở đường” của doanh nghiệp Nhà nước

Với 12 nhóm giải pháp thực hiện được đề cập trong đề án, nhóm giải pháp liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp vẫn còn một số ý kiến khác biệt.

Có ý kiến cho rằng cần đổi mới vai trò của doanh nghiệp Nhà nước với tư cách là công cụ để điều tiết vĩ mô, bình ổn nền kinh tế. Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với ý kiến này và cho rằng doanh nghiệp Nhà nước có nhiệm vụ quan trọng là “mở đường” trong những lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp thuộc thành phần khác không đủ năng lực .

Do vậy, cũng cần phải có tiêu chí đánh giá, giám sát về hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, cũng như thực hiện lộ trình tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận với các nhiệm vụ an sinh xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị cần có một tính toán đánh giá tác động của Đề án này với kinh tế, xã hội trong ngắn hạn, dài hạn cũng như mục tiêu sẽ đạt được của Đề án sẽ như thế nào, gắn với các mục tiêu lớn của Quốc hội đưa ra ra sao.

Theo Chinhphu.vn, TTXVN

;
.
.
.
.
.