.

Tập trung kiểm soát hoạt động các ngân hàng thương mại

.

 

Năm 2012, NHNN Chi nhánh Đà Nẵng triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố Đà Nẵng về vấn đề này.  

* P.V: Thưa ông, được biết trong quý 2 này, NHNN Chi nhánh thành phố sẽ có cuộc kiểm tra các NHTM. Nội dung các cuộc kiểm tra này là gì?

- Ông Võ Minh: Ngày 13-2-2012, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị 01 về việc thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, đồng thời kịp thời tham mưu cho UBND thành phố và NHNN Việt Nam về việc xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn, NHNN Chi nhánh thành phố thành lập 2 tổ công tác tiến hành kiểm tra, khảo sát một số tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc thực hiện các giải pháp tín dụng năm 2012. Trọng tâm tập trung vào những nội dung như sự đa dạng, cơ cấu các phương thức huy động vốn tại các TCTD; việc chấp hành trần lãi suất huy động; tính hợp lý giữa nguồn huy động vốn tại chỗ so với việc cho vay phát triển kinh tế địa phương; tính hợp lý về kỳ hạn và đồng tiền giữa huy động và cho vay; việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Hội sở giao; việc chuyển dịch cơ cấu tín dụng sang lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa...; việc hạn chế cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích (cho vay đầu tư và kinh doanh chứng khoán, bất động sản, cho vay tiêu dùng); chất lượng tín dụng…

* P.V: Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các sai phạm về cho vay, trần huy động… thì hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Ông Võ Minh: Không chỉ riêng đợt kiểm tra lần này mà trong suốt năm 2012, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về tiền tệ và hoạt động ngân hàng của các chi nhánh TCTD trên địa bàn sẽ được tăng cường một cách mạnh mẽ. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện những sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời theo Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 7-9-2011, Thống đốc đã giao Giám đốc NHNN các chi nhánh thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người điều hành sở giao dịch, chi nhánh của TCTD trên địa bàn khi phát hiện chi nhánh TCTD vi phạm các quy định về mức lãi suất huy động theo các quy định hiện hành. Ngoài ra, sẽ chuyển hồ sơ lên NHNN Việt Nam để áp dụng các biện pháp xử lý đối với người quản lý điều hành TCTD bị vi phạm; hạn chế mở rộng phạm vi, quy mô, địa bàn hoạt động của TCTD trong thời hạn 1 năm; hạn chế hoặc tạm đình chỉ hoạt động huy động và cho vay của đơn vị vi phạm thuộc TCTD đó.

* P.V: Dư luận cho rằng doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn ngân hàng. Ông có thể cho biết vì sao?

- Ông Võ Minh: Đứng dưới góc độ ngân hàng, trong thời gian qua, tăng trưởng tín dụng rất thấp, năm 2011 tăng trưởng tín dụng trên địa bàn là 7,8%, thậm chí trong hai tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng còn giảm 2,3% so với cuối năm 2011. Theo số liệu của chúng tôi, đến cuối 2011, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp chiếm khoảng 67% tổng dư nợ cho vay (năm 2010 là 66%), đồng thời tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp tăng 10% so với cuối năm 2010. Điều này cho thấy trong thời gian qua, ngành ngân hàng trên địa bàn cũng đã có nhiều cố gắng trong việc ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, qua số liệu trên có thể thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian qua là thấp và sẽ có một số ý kiến cho rằng khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Rõ ràng so với các năm trước đây, khi tăng trưởng tín dụng rất lớn, có những năm lên đến 26-30%, thì trong thời gian qua có một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Theo tôi, việc khó khăn trong tăng trưởng tín dụng do những nguyên nhân sau: Một là các TCTD thực hiện việc kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng; hai là nguồn vốn huy động đang khó khăn (năm 2011 tăng thấp 6,5%, hai tháng đầu năm giảm 0,59%); thứ ba là lãi suất cho vay còn khá cao nên các doanh nghiệp phải tính toán lại các dự án, phương án sản xuất kinh doanh của mình hoặc là tự cân đối các nguồn vốn khác không phải là vốn ngân hàng để triển khai các phương án sản xuất kinh doanh; thứ tư là việc tìm kiếm doanh nghiệp tốt và an toàn trong giai đoạn hiện nay không hề dễ. Do đó, ý kiến của cá nhân tôi, để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi hơn và để ngân hàng tăng trưởng tín dụng một cách bền vững, một mặt là lãi suất ngân hàng cần phải giảm xuống, mặt khác các doanh nghiệp cũng phải có những dự án, phương án hiệu quả. Trong các chỉ đạo của Chính phủ và những giải pháp điều hành của NHNN thời gian qua đã có những kết quả nhất định trong việc hạ lãi suất cho vay, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải có các phương án hiệu quả để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

* P.V: Cảm ơn ông!

THÀNH LÂN thực hiện

 

;
.
.
.
.
.