.

Thả nổi giá bán báo

.

Mặc dù bất kỳ tờ báo nào khi phát hành trên thị trường cũng đều công khai niêm yết giá, nhưng hầu hết các đại lý bán lẻ hay người bán dạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều nâng giá từ 10-20% so với giá bìa.

Dù biết bị “móc túi” lộ liễu, nhưng người dân vẫn phải mua báo vì nhu cầu cập nhật thông tin.
Dù biết bị “móc túi” lộ liễu, nhưng người dân vẫn phải mua báo vì nhu cầu cập nhật thông tin.

Niêm yết một đằng, bán một nẻo

Dạo quanh một vòng các sạp báo lớn, nhỏ trong khu vực nội thành mới thấy, giá bán báo lẻ hầu như bị thả nổi. Tờ Thanh niên, Tuổi trẻ giá bìa 3.700 đồng/tờ nhưng sạp báo Her World ở đường Bạch Đằng (quận Hải Châu) bán với giá 4.500 đồng/tờ; sạp báo ở đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) bán 5.000 đồng/tờ; sạp báo ở đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) bán 4.800 đồng/tờ. Tương tự, báo Bóng đá hằng ngày có giá bìa 4.800 đồng/tờ, tại các sạp trên lần lượt có giá 6.000 đồng, 6.500 đồng và 6.800 đồng/tờ. Tạp chí Tiếp thị gia đình có giá bìa 14.800 đồng/tờ, nhưng các sạp trên bán với giá 15.800 đồng, 16.500 đồng và 16.000 đồng/tờ. Ấn phẩm Hôn nhân và pháp luật có giá bìa 6.800 đồng/tờ, các sạp báo trên cũng bán lần lượt là 8.000 đồng, 8.800 đồng và 8.500 đồng/tờ. Tương tự, tạp chí Thế giới phụ nữ có giá bìa 13.800 đồng/tờ, bán ra 15.000 đồng, 15.500 đồng và 16.000 đồng/tờ...

Đó là chưa kể cùng một tờ báo nhưng giá bán nhiều lúc thay đổi theo từng kỳ. Tại một sạp báo, ấn phẩm Hôn nhân và pháp luật số 26 (tháng 4-2012) giá 8.000 đồng/tờ, nhưng số 27 lại có giá 9.000 đồng/tờ. Khi được hỏi, chủ sạp giải thích: “Số 27 có nhiều bài hay và hình ảnh đẹp hơn số 26” (!?). Phần lớn các chủ sạp báo bán lẻ đều dựa vào sức mua của từng tờ, từng ấn phẩm để điều tiết việc tăng giá cao hay thấp. Tại một sạp báo trên đường Trưng Nữ Vương, chủ sạp mạnh tay tăng giá với những báo, ấn phẩm bán chạy như: Tiếp thị gia đình, Hôn nhân và pháp luật, Mua sắm, Đang yêu, Thế giới văn hóa, Thế giới phụ nữ, Mẹ và Bé...

Chủ sạp báo tên H. (đường Trưng Nữ Vương) cho biết: “Không có sạp báo bán lẻ nào chịu bán đúng giá bìa. So với giá bìa, tôi chỉ tăng giá lên 10%, nhiều sạp khác tăng từ 15-20%. Phải tăng giá thôi, chứ lấy đâu ra tiền để đóng thuế, trả tiền mặt bằng, điện, nước, tiền lương cho nhân viên. Kinh doanh mặt hàng này dễ mà khó. Dễ là không lúc nào thiếu người mua nhưng nếu ham mà “ôm” nhiều là lỗ vốn liền”.

Cũng theo chị H, so với “dân” bán dạo thì việc nâng giá báo ở các sạp, quầy bán lẻ vẫn “hiền”. “Dân bán dạo có nhiều “chiêu” để móc túi người mua lắm. Tăng giá công khai là chuyện bình thường, còn xóa giá cũ ghi giá mới ở bìa rồi tăng lên mới tinh vi”, chị H. nói thêm. Thực tế, trong một lần uống cà-phê trên đường Phan Thanh, người bạn của chúng tôi đã mua tờ Thanh niên với giá... 7.000 đồng (trong khi giá bìa chỉ 3.700 đồng/tờ).   

Người mua bị thiệt

Có một nghịch lý đang diễn ra xung quanh việc giá bán báo. Đó là so với nhiều mặt hàng khác, giá bán báo luôn được niêm yết công khai, chính xác. Nhưng khi lưu hành trên thị trường, việc công khai giá này không còn có ý nghĩa khi người bán lẻ liên tục phá giá. Trong khi đó, người dân dù biết rõ sự chênh lệch về giá nhưng vì nhu cầu cập nhật thông tin vẫn sẵn sàng bỏ hầu bao để mua báo. Ông Trần Đình Sự (trú đường Núi Thành, quận Hải Châu) cho biết: “Người ta buôn bán thì cũng phải tăng giá để có lời. Mình có khả năng thì mua, không thì thôi chứ có mấy đồng đâu”. Trái với ông Sự, ông Hồ Nghi Thanh (trú đường Phan Thanh) khá bức xúc: “Một ngày nhà tôi bỏ ra 10.000 đồng để mua báo Thanh niên và Tuổi trẻ ở sạp báo đầu ngõ, thay vì 7.600 đồng như giá bìa. Tính ra một năm tôi mất gần 1 triệu tiền lời cho chủ sạp báo. Chưa tính đến việc con trai và con dâu tôi vẫn thường đọc các loại báo khác nữa. Số tiền không nhiều nhưng chúng tôi bị móc túi lộ liễu quá”.

Được biết, thực tế, người bán báo được hưởng cùng lúc 2 khoản “hoa hồng”: từ đại lý chủ và từ việc nâng giá báo. Ông T., chủ sạp báo Her Word trên đường Bạch Đằng nói: “Mình chấp nhận để báo ra sạp thì phải được hưởng “hoa hồng” chứ. Tùy từng tờ báo mà mức “hoa hồng” thay đổi, thường từ 15-18%...”.

Trao đổi với đại diện một tờ báo, chúng tôi được biết, theo quy định chung, giá bán của bất kỳ tờ báo nào cũng được niêm yết công khai trên bìa báo. Tòa soạn báo chỉ chịu trách nhiệm với giá bán gốc, còn việc tăng giá của người bán khi tờ báo đã lưu hành ngoài thị trường thì không kiểm soát được. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết: “Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 80 đầu mối cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Cho đến nay, chưa có cơ chế gì về việc quản lý giá bán báo trên thị trường”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.