.

Thờ ơ với kiểm toán năng lượng

.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Theo Nghị định số 21/2011/NĐ-CP của Chính phủ  về thực hiện Luật này, mọi doanh nghiệp (DN), cơ quan Nhà nước phải tiến hành kiểm toán năng lượng với chu kỳ 3 năm/lần để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời có biện pháp khắc phục các yếu kém nhằm sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời - thiết bị tiết kiệm điện hiệu quả.
Bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời - thiết bị tiết kiệm điện hiệu quả.

Lợi ích

Việc tiến hành kiểm toán năng lượng đem lại rất nhiều lợi ích cho DN vì thông qua kiểm toán năng lượng, DN có thể xây dựng một lộ trình ngắn hạn và dài hạn để thực hiện việc tiết kiệm năng lượng và hiệu quả cuối cùng là giảm được chi phí sử dụng năng lượng, nâng cao sức cạnh tranh.

Thành phố Đà Nẵng có 31 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, bao gồm các cơ sở sản xuất có số phụ tải quy đổi tương đương với 1.000 tấn dầu/năm và các cơ sở khác như văn phòng làm việc, nơi vui chơi giải trí, khách sạn… có phụ tải tương đương với 500 tấn dầu trở lên/năm. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm Luật này có hiệu lực, cả thành phố mới có 11 trong số 31 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiến hành kiểm toán, chủ yếu là các DN. Sau khi kiểm toán, các cơ sở này đã có nhiều thay đổi trong tổ chức sản xuất, đầu tư thiết bị, công nghệ nên đã tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể, như Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước, Công ty CP Dệt Hòa Khánh, Công ty CP Dệt-may 29-3… Một số DN đã có hướng chuyển đổi sử dụng năng lượng từ điện sang dùng than để đốt các lò hơi (trong ngành dệt-may) vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm điện. Ông Nguyễn Chánh, Giám đốc Công ty CP Dệt Hòa Khánh cho biết, chỉ riêng việc dùng than và củi để đốt lò hơi đã tiết kiệm trên 300 tấn dầu trong năm 2011. Việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện và làm lạnh, các đơn vị chế biến hải sản đã qua kiểm toán mỗi năm tiết kiệm từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng. Nhờ kiểm toán, nhiều DN trong ngành sản xuất thép, xi-măng... đã thay đổi giờ làm việc, tăng cường sản xuất vào các giờ thấp điểm để hưởng giá ưu đãi. Việc làm này vừa có lợi cho DN (giảm chi phí) vừa tiết kiệm tài nguyên vì điện là hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất đồng thời diễn ra với quá trình tiêu thụ (không tích trữ được), nếu các giờ thấp điểm không được tiêu thụ sẽ rất lãng phí.

Cần quyết liệt hơn

Điều đáng nói là mặc dù biết rõ lợi ích của kiểm toán năng lượng nhưng khá nhiều DN còn thờ ơ, chủ yếu là muốn che giấu việc đang sử dụng các thiết bị, công nghệ lạc hậu… Song nguyên nhân chính dẫn tới việc các DN chưa tích cực tham gia kiểm toán năng lượng vì việc xác định và xử lý các cơ sở vi phạm chưa triệt để, chưa rõ ràng. Chẳng hạn như điểm 1, điều 13 của Nghị định 21 ghi rõ: Phạt tiền tới 30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, quản lý và công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt buộc, nhưng các quy chuẩn kỹ thuật như thế nào là chưa rõ. Mặt khác, mức xử phạt này vẫn chưa có sức răn đe so với việc thay đổi một thiết bị, công nghệ, đôi khi trị giá hàng tỷ đồng. Trong thực tế, hầu hết các DN không đủ khả năng tài chính để thay đổi ngay được những thiết bị lạc hậu.

Năm 2012, Bộ Công thương và các cơ quan chức năng sẽ triển khai ráo riết Nghị định số 21/2011/NĐ-CP. Việc kiểm toán năng lượng ở tất cả các cơ sở sử dụng năng lượng, trong đó chủ yếu và trước tiên là trong DN, nhất là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là một yêu cầu bắt buộc. Đây là vấn đề có tính sống còn nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường hiện nay, trong đó tiết kiệm điện là giải pháp quan trọng hàng đầu. Để triển khai hiệu quả Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP, UBND thành phố đã giao cho Sở Công thương chủ trì việc soạn thảo quy chế mẫu về sử dụng điện tiết kiệm gửi các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở y tế, trường học, kể cả các tổ chức chính trị-xã hội để xem xét ban hành phù hợp với thực tế tại từng cơ quan, đơn vị theo kế hoạch triển khai và giám sát việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt. Hy vọng với quy chế này, việc triển khai sẽ hiệu quả hơn với sự đồng thuận cao của các DN và các cơ quan, tổ chức xã hội về kiểm toán năng lượng.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.