.
Xây dựng nông thôn mới

Người dân hưởng lợi

.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề có tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã của huyện Hòa Vang đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra, nông dân phải là chủ thể quan trọng cùng chung tay với hệ thống chính quyền vào cuộc. Dưới đây là ý kiến của một số người dân khi nói về xây dựng nông thôn mới.

Bà Trần Thị Năm (thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước):

Làng quê phát triển, người dân được hưởng lợi

Tôi về làm dâu ở Trà Kiểm đã hơn 25 năm. Hồi đó, vùng quê này còn nghèo, nhà cửa xơ xác, đường sá chật hẹp, làm không đủ ăn. Vậy mà giờ đây, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, sự nỗ lực của nhân dân, đường sá đã được mở rộng, đời sống đã thay đổi. Nhiều người ở thôn tự hào vì nhà cửa của mình đâu thua kém chi nhà ngoài phố. Cũng nhờ chủ trương xây dựng nông thôn mới triển khai rộng khắp đến từng thôn xóm mà nhà nhà tiếp cận được với các dịch vụ tiện nghi, điện kéo về khắp làng trên ngõ dưới, đường nhựa, đường bê-tông chạy đến khắp nơi. Có đường lớn, đất đai, nhà cửa có giá trị hơn trước. Hồi đầu mới nghe xã, thôn đi vận động bà con hiến đất mở đường, có người nói đó là việc của Nhà nước, đụng chạm đến lợi ích kinh tế, nhiều người không chịu nghe. Nhưng sau khi Ban vận động thôn đi đến từng nhà giải thích, dần dần bà con đã hiểu và sẵn sàng chịu thiệt một chút đất vì việc chung. Nói là làm, bà con ở đây rất tự giác khi xã, thôn yêu cầu đóng góp việc chung là hưởng ứng liền. Bởi vì có sự chung sức của người dân thì bộ mặt làng quê mới phát triển, mà lợi ích thì người dân được hưởng đầu tiên.

Ông Chu Văn Minh (thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh):

Người dân phải nâng cao ý thức trách nhiệm đối với địa phương

Là người dân nông thôn, ai cũng mong muốn quê hương mình đẹp, giàu, chứ không ai lại muốn địa phương mình thua kém hơn nơi khác để bị mang tiếng. Nhưng hiện nay, tôi thấy ý thức của một số ít người dân còn kém, tỏ ra thờ ơ với việc làng việc xã. Như chuyện đi họp thôn để nắm bắt thông tin, nghe phổ biến các nội dung liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì có người xem đó không phải là việc của mình, hoặc không quan trọng, tốn thời gian, trong khi đó họ ở nhà chỉ để xem ti-vi. Đến khi chính quyền triển khai công việc cụ thể xuống dân, nhiều người cứ như từ trên trời rơi xuống, mù tịt không biết việc gì, rồi đâm ra hiểu sai, nói năng không đúng. Khi địa phương phát động làm đường, giúp các gia đình có việc tang gia hay dọn vệ sinh môi trường, có người còn trốn tránh, không muốn bỏ công sức vì những việc không phải của mình. Ở nông thôn, việc bảo vệ môi trường cũng là một trong những tiêu chí đánh giá về xây dựng nông thôn mới, nhưng nhiều người chỉ biết sạch trong nhà mình, vứt rác thải bừa bãi ra đường, coi như bẩn ai nấy chịu. Tôi nghĩ rằng, để giúp sớm thay đổi bộ mặt vùng quê, trước tiên mỗi người dân cũng phải thay đổi cách nghĩ, nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, đối với địa phương.

Ông Lê Trinh (Trưởng thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn):

Tùy thực tế mà vận động người dân

Ở thôn chúng tôi, có đến 97% là giáo dân. Ý thức chấp hành của người dân về xây dựng nông thôn mới tương đối tốt, nhưng một phần do đời sống còn  khó khăn nên nhiều khi triển khai công việc chung chưa hiệu quả. Ví dụ như chuyện làm đường giao thông nông thôn, do đặc điểm địa bàn dân cư thưa, diện tích rộng, khi làm đường sá tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, trong khi đó không phải nhà nào cũng có khả năng đóng góp. Để thực hiện được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chúng tôi cũng đã họp dân vận động theo cách riêng của mình. Chẳng hạn như khơi dậy tinh thần “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” để bà con cùng nhau san sẻ, nhà nào có kinh tế khá giả hơn sẽ đóng nhiều hơn một chút, ngược lại hộ nghèo được giảm một phần đóng góp. Cách làm của chúng tôi là không dàn trải như nhau mà căn cứ vào điều kiện của người dân và tình hình cụ thể để vận động. Vận động lần này không được sẽ vận động lần khác, quan trọng là phải kiên nhẫn và linh hoạt. Nhờ vậy mà thời gian qua, nhiều công trình giao thông ở thôn Phú Thượng đã đẹp lên rất nhiều. Những đường bê-tông dài 200-500m chạy dài, cho bà con đi lại thuận tiện so với những năm trước đây. Với một số tiêu chí khác, thôn  Phú Thượng nói riêng và xã Hòa Sơn nói chung chưa đạt, nhưng sắp tới chúng tôi sẽ triển khai tuyên truyền mạnh hơn nữa để bà con cùng chung tay, góp sức thực hiện sớm.

XUÂN DUYÊN (ghi)

;
.
.
.
.
.