Trong vài ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm các gói giải pháp tổng hợp về vĩ mô, tiền tệ, cải cách thủ tục hành chính, miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế đối với doanh nghiệp.
Chính phủ khẳng định đây chỉ là "gói giải pháp hỗ trợ", không phải là "gói kích thích kinh tế lần thứ ba" như một số ý kiến bình luận. |
Thông điệp được Chính phủ đưa ra cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2012 là sẽ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp nhằm gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp.
Sau phiên họp Chính phủ tháng trước, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy bức tranh tổng thể về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không thuận lợi.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay tính đến 20-4, cả nước có 647.627 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập nhưng chỉ có 463.802 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số không còn hoạt động, có gần 82 nghìn doanh nghiệp giải thể, 16 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động và gần 86 nghìn doanh nghiệp dừng hoạt động nhưng không đăng ký.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là trong thời gian gần đây, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập liên tục giảm thì số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động lại tăng lên nhanh chóng. Trong bốn tháng đầu năm, cả nước chỉ có 23.971 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 130 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và 14,1% về số vốn đăng ký.
Một báo cáo khác của VCCI cho hay tại thời điểm VCCI thực hiện khảo sát doanh nghiệp (từ ngày 1-4-2012 đến 20-4-2012), vẫn có khoảng 50% doanh nghiệp đang vay vốn với mức lãi suất trên 18%, trong khi mức lãi suất vay mà đa số họ (khoảng 75% số doanh nghiệp) có thể chịu đựng được là 15% và mức lãi suất vay mà họ cho là hợp lý là khoảng 13%-14%.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói hiện nay tình hình chung của các doanh nghiệp là rất khó khăn do chi phí sản xuất kinh doanh tăng cao và khó khăn về thị trường tiêu thụ thu hẹp; lượng hàng tồn kho lớn và tập trung chủ yếu ở một số ngành như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo,thương mại, vận tải kho bãi…
"Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các nỗ lực điều hành chính sách của Chính phủ tập trung vào việc giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ giải quyết vấn đề thị trường đầu ra song song với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo niềm tin cho doanh nghiệp", ông Lộc nói.
Thông tin được quan tâm nhất là vấn đề miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trao đổi khá chi tiết với báo giới.
Cụ thể, bà Mai cho biết gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp lần này được thực hiện dựa trên 5 nguyên tắc: (i) đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát quay trở lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; (ii) hỗ trợ đúng đối tượng, đúng doanh nghiệp khó khăn và kịp thời; (iii) đảm bảo và tính đến khả năng cân đối của ngân sách nhưng đồng thời hỗ trợ để tạo điều kiện về vốn, thanh khoản cho doanh nghiệp; (iv) phối hợp tốt với điều hành chính sách tiền tệ để từng bước giảm lãi suất và giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và (v) gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và đặc biệt là tái cấu doanh nghiệp.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết, những doanh nghiệp khó khăn sẽ được hỗ trợ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất gia công trong ngành sản xuất chế biến nông lâm thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép…
Tính toán sơ bộ của Bộ Tài chính cho biết gói hỗ trợ khoảng 29.000 tỷ đồng. Trong đó, các giải pháp về giãn thuế khoảng 16.000 tỷ đồng, bao gồm giãn thuế giá trị gia tăng khoảng 12.300 tỷ và giãn thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 3.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, các giải pháp tài chính trực tiếp giảm chi phí cho doanh nghiệp như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế khoán đối với hộ, thuế môn bài sẽ ở mức khoảng 4.100 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp khoảng 1.500 tỷ đồng; lùi thời hạn thu phí bảo trì đường bộ khoảng 3.000-3.200 tỷ đồng và các giải pháp về chi tiêu trị giá khoảng 2.670 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định rằng đây chỉ là "gói giải pháp hỗ trợ", không phải là "gói kích thích kinh tế lần thứ ba" như một số ý kiến bình luận.
VnEconomy