.
Bâng khuâng chợ cá Thọ Quang

Kỳ cuối: Mối lo dịch bệnh

.

Đã vào công việc thì từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, ai cũng cặm cụi với đống cá ươn tanh. Có người đang làm bị ngứa lưng, lấy luôn cái thìa đang cạo cá để gãi. Chốc lát có người bưng tô bún, mì Quảng, nước mía, sữa đậu nành, cà-phê bán rong để trên chiếc bàn xung quanh là cá sống. Không cần rửa tay, mọi người thản nhiên ăn ngon lành.

“Làm nghề ni không có nghỉ trưa mô, hết việc mới thôi. Đói thì cứ ăn tạm đồ họ bán dạo đi”, dì Bảy, người cùng làm nói. Khi chợ cá bắt đầu thưa dần người ra về, nhưng những nhân công làm cá vẫn ở lại xuyên trưa. Hàng loạt chiếc tủ đông lạnh và kệ gỗ xập xệ là nơi ngủ trưa của những chủ cá hoặc thợ bỏ đá ướp. Nhiều người vẫn vô tư ngủ trưa bên đống rác bừa bộn ở góc chợ, mặc cho mùi hôi thối của các vật thải đang bốc mùi uế tạp giữa cái nắng tháng 5.

Hàng trăm con người làm việc trong môi trường chế biến hết sức mất vệ sinh.
Hàng trăm con người làm việc trong môi trường chế biến hết sức mất vệ sinh.

Cách nhà lồng chế biến cá sống không xa là khu nhà lồng phục vụ ăn uống nằm sát barrier ra vào cổng chợ cá Thọ Quang. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, những người trong bến cá và công nhân của một số công ty trong KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang như Procimex, Hải Thanh, Thuận Phước thường ra ăn uống, giải khát. Có thể việc buôn bán hàng ăn chín vẫn chưa thu hút cho nên nhiều lô còn trống. Cây trụ trong nhà lồng có dán một bản thông báo của BQL chợ thủy sản Thọ Quang yêu cầu các hộ kinh doanh ra nhận mặt bằng. Đó cũng là lý do khiến bụi bám đầy các dãy bàn, dưới sàn nhà ít được quét dọn còn tồn cả xác kiến, gián và phân chuột.

Quanh đi nhìn lại, hàng ăn trưa chỉ có 5 - 6 người bán. Tôi chọn một hàng có vẻ như nhiều đồ ăn hơn gồm cả mì Quảng, bún, cơm để dễ lựa chọn. Thức ăn ở đây thường để chung với nhau như rau muống xào và mì xào cùng thau, thịt gà kho và đậu khuôn chiên cùng chỗ. Ăn mì Quảng, nhưng sợ nhất là rau sống không được rửa kỹ, còn lấm tấm những lá hư chuyển màu. Muốn ăn cơm, song nghĩ đến những con cá mà mình tận tay chế biến dưới cái nền nhà dớp nước ấy, tôi lại thôi. Tôi đưa mắt quan sát, tất cả thức ăn không được che đậy, mà không chỉ một hàng mà tất cả các hàng ăn chín còn lại. Cách nhà lồng chừng vài ba mét, xe tải, xe máy chở hàng vù vù chạy qua, quét theo cả những lớp bụi mùa hè. Khủng khiếp nhất vẫn là ruồi - loại ký sinh trùng mang theo biết bao mầm bệnh. Ruồi từ môi trường chế biến cá sống bay vào cả những bát cơm, tô mì của chúng tôi. Thấy hai chị công nhân của Công ty TNHH Hải Thanh bước vào ăn trưa, những người bán mời mọc. Sau khi gọi hai tô bún, nhìn lên trên nóc nhà lồng có treo một sợi dây (không ai biết để làm gì mà treo thọng xuống gần sát đất), bám dày kín toàn ruồi và loại bò ho (dân gian gọi con mắt mắt), hai công nhân thốt lên “trời, ghê quá” rồi tủm tỉm cười, ráng ăn nốt những phần thức ăn còn lại và tính tiền. Tôi ngồi nán lại kêu nước uống và quan sát. Gắp và bốc thức ăn cho khách, kiêm rửa bát đĩa, nhưng chẳng thấy người bán nào mang bao tay. Có lẽ không cần nói ra, chắc mọi người cũng hình dung được xô nước đựng thức ăn thừa và xô nước dùng để rửa chén bát chuẩn bị cho người ăn sau cũng không khác nhau là mấy. Chỉ sạch hơn ở chỗ người ta dùng khăn lau lại trước khi múc đồ ăn cho khách. Những đôi đũa tre đã mốc meo, lấm chấm xỉn màu muối tiêu. Thực khách chỉ còn biết lấy giấy lau miệng lau qua, nhắm mắt làm sạch. Ấn tượng nhất là quầy thức ăn của một chị ở phía tay trái cổng vào (không rõ tên), trên đĩa thịt nướng còn nóng hổi, một đám ruồi đen bâu kín. Vắng người ăn, chị cũng để vậy không đuổi mà còn nghêu ngao hát. Đối diện với hàng chị là bà chủ hàng tôi vừa ăn nhắc nhở: “Ê, đuổi ruồi đi mi, để gớm chết rứa”. Chị đáp lại, giọng đùa giỡn: “Mình ăn trưa thì cũng để cho ruồi hắn ăn trưa chứ”. Cả nhà lồng lại rộ lên cười. Phía cuối góc nhà, một chiếu bạc gom tụ cả đàn ông và phụ nữ ngồi bệt xuống nền chợ lặng lẽ sát phạt. Họ hết chơi tiến lên lại chuyển sang bài cào ăn tiền, tay vừa xếp bài, vừa bốc bánh ram cho vào miệng dù vảy cá còn dính trên tay.

Thức ăn trong nhà lồng không được che đậy từ sáng đến chiều.
Thức ăn trong nhà lồng không được che đậy từ sáng đến chiều.

Chợ cá Thọ Quang, nơi mỗi ngày xuất bến hàng trăm tấn cá làm nguyên liệu cho các đơn vị thu mua trong nước và xuất khẩu. Đây còn là điểm phát luồng ước tính hàng ngàn kilôgam cá khô và cá làm chả cho thị trường Đà Nẵng. Có chứng kiến mới thấy người làm chả cá không dùng đồ bảo hộ, tay trần nạo cá, ngồi la liệt dưới những nền nhà đen nhám. Các nhân công sau khi đi vệ sinh quay trở lại công việc, có ai dám chắc họ không đem theo những vi khuẩn vào chả cá và thức ăn. Và nào ai biết, đâu đó ở những hàng ăn, quán nhậu, những món khoái khẩu này được làm ra trong môi trường đầy ắp dịch bệnh.

Để tồn tại một chợ chế biến cá và bán đồ ăn chín mất vệ sinh, phục vụ từ ngày này qua ngày khác, chúng tôi thực sự không hiểu trách nhiệm của BQL chợ và cơ quan chức năng tới đâu. Thật lo lắng khi gần đây hàng loạt các cơ sở chế biến cá bò khô trong nước xuất đi Hàn Quốc đã bị phanh phui về công nghệ làm bẩn. Phía bạn đã “cấm cửa” với những cơ sở từng xuất hàng, bởi những bằng chứng sản phẩm có chứa vi trùng viêm ruột kết và khuẩn cầu chụm có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Còn đối với người tiêu dùng trong nước, họ sẽ quyết định như thế nào khi ăn phải những sản phẩm có hại cho sức khỏe do chính người dân chúng ta làm ra? 

Phóng sự của DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.