.

“Cây” sáng kiến

.

Xuất phát từ thực tế sản xuất, nhiều sáng kiến kỹ thuật đã được anh Phan Quang Liền, Trưởng ban Kỹ thuật thiết bị may, Công ty CP Dệt may 29-3 nghiên cứu và áp dụng thành công giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của công việc, góp phần tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Anh Phan Quang Liền hướng dẫn công nhân sử dụng máy đánh bọ.
Anh Phan Quang Liền hướng dẫn công nhân sử dụng máy đánh bọ.

Nhiều năm công tác tại Công ty CP Dệt may 29-3, anh Phan Quang Liền đã có nhiều đề tài nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực may mặc,  như thiết kế chế tạo máy xén viền, thiết kế cơ cấu ru-lô côn để may sản phẩm lưng cong hàng quần jeans, cải tạo máy ép nhãn bằng tay thành bằng hơi nén. Theo anh, các sáng kiến kỹ thuật phải xuất phát từ thực tế sản xuất và phải mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Gần đây nhất, anh Liền đã nghiên cứu cải tiến thành công máy đánh bọ KE 430D-2 để may tạo mẫu theo chương trình điện tử, làm lợi cho công ty hơn 2 tỷ đồng chi phí đầu tư trang thiết bị.

Từ thực tế công đoạn may băng dính và bách tay trên máy 1 kim theo phương pháp cũ phải qua nhiều bước chuẩn bị, thời gian thực hiện lâu, chất lượng sản phẩm thiếu tính ổn định, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao mới thực hiện được, ảnh hưởng lớn đến việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, nhiệt thải ra môi trường với khối lượng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe công nhân. Trong khi đó, để sản xuất các mã hàng có công đoạn may băng dính, công ty phải đầu tư các loại máy may theo chương trình chuyên dùng với chi phí đầu tư rất lớn như máy BAS-434E với giá 7.000USD/máy, máy đánh bọ KE 430D giá 3.400 USD/máy. Trước yêu cầu đó, anh đã chủ động tìm hiểu yêu cầu kỹ thuật may, chất lượng sản phẩm, công đoạn may băng dính và bách tay trên sản phẩm rồi tiến hành nghiên cứu cải tiến bộ đẩy vải máy bọ KE 430D-2 may băng dính và bách tay thay thế cho máy may 1 kim. Thành công của công trình đã loại bỏ được công chấm dấu trước khi may, tiết kiệm thời gian thao tác từ 50% đến 62% so với phương pháp cũ, chất lượng ổn định hơn, không có sản phẩm tái chế, hạn chế số lượng máy móc thiết bị, từ đó tiết kiệm tiêu hao năng lượng, giảm khí thải ra môi trường. Mặt khác, khi áp dụng đại trà trên 30 máy may đã làm lợi chi phí đầu tư thiết bị, máy móc trên 2 tỷ đồng.

Anh Liền cho biết, ngoài hiệu quả kinh tế, anh mong muốn thông qua công trình của mình sẽ giúp cho CBCNV nâng cao ý thức tiết kiệm, nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, hợp lý hóa sản xuất, từ đó rút ngắn thời gian chế tạo sản phẩm, bảo đảm hợp đồng với khách hàng. Anh luôn quan tâm, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để cho đồng nghiệp nghiên cứu đưa ra những giải pháp mới, giải quyết yêu cầu sản xuất của công ty. Anh còn phổ biến, hướng dẫn cho đồng nghiệp và công nhân sử dụng thành thạo các cải tiến mới, nhờ đó các cải tiến nhanh chóng được áp dụng và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Anh Tôn Thất Thiệu, một đồng nghiệp của anh Liền cho biết: “Anh Liền luôn chủ động tìm tòi, cải tiến máy móc trang thiết bị. Trong đời sống thường nhật, anh luôn gần gũi và quan tâm giúp đỡ chúng tôi. Được làm việc cùng anh, tôi và các đồng nghiệp đã nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ tay nghề”.

Không chỉ vậy, anh Liền còn tích cực trong các hoạt động do Công đoàn công ty phát động. Nhiều năm liền, anh được lãnh đạo công ty tặng Giấy khen về những đóng góp của anh cho sự phát triển của công ty. Năm 2011, với sáng kiến cải tiến thành công máy đánh bọ KE 430D-2 để may tạo mẫu theo chương trình điện tử, anh Liền vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Mong rằng với nhiệt huyết và lòng đam mê nghề nghiệp, anh Liền sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển.

SÁNG PHAN
 

;
.
.
.
.
.