Về khâu giết mổ, tại 7 cơ sở giết mổ tập trung, hầu hết đã nâng cấp, đổi mới trang thiết bị, từng bước đáp ứng tiêu chí theo quy định. Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Sơn - nơi mỗi ngày đêm giết mổ khoảng từ 750 - 800 con heo, bò và 1.000 con gia cầm - đổi mới rõ nét nhất. Hơn một tháng qua, trung tâm đã đầu tư gần 200 triệu đồng lắp đặt sạp bằng vật liệu không rỉ cho 4 hộ để giết mổ trên sạp; trước đó đã đầu tư 350 triệu đồng lắp đặt thiết bị mổ treo cho một hộ. Trung tâm đang lắp đặt sạp cho các hộ còn lại, phấn đấu trong năm nay không còn tình trạng giết mổ trên nền nhà. Quy trình giết mổ đã cải tiến đáng kể, không còn tình trạng thịt để dưới đất, đồng thời chuyển khu vực sơ chế ruột heo ra nơi khác. Cán bộ, nhân viên thú y bám sát hiện trường và trách nhiệm hơn trong việc kiểm soát chất lượng thịt sau giết mổ.
Xe gắn máy chở thịt tại Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Sơn. |
Ông Nguyễn Điểm, Giám đốc Công ty CP Procimex Việt Nam (đơn vị quản lý Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Sơn) cho biết, ngoài những đầu tư nêu trên, trung tâm vừa hoàn thành xây cổng số 2 và đường dẫn vận chuyển sản phẩm sau giết mổ ra thị trường. Sẽ xây chuồng nhốt heo dự trữ 2.000m2. Về lâu dài, công ty sẽ hình thành chợ đầu mối sản phẩm động vật cách khu vực giết mổ gần 100m. Sản phẩm sau giết mổ theo băng chuyền đưa về chợ đầu mối này.
Ông Cao Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, thực hiện Quyết định 15 của thành phố, chi cục đã ráo riết kiểm tra hoạt động giết mổ, các cơ sở chưa đạt đều yêu cầu đầu tư nâng cấp. Hiện 6 cơ sở cơ bản đáp ứng tiêu chí đặt ra. Riêng cơ sở của HTX Nông nghiệp Hòa Phước, do việc xây dựng thiếu đồng bộ, chất lượng giết mổ chưa cao, đã yêu cầu đổi mới, nếu không sẽ phải ngừng hoạt động.
Vận chuyển sản phẩm động vật sau giết mổ ra thị trường cũng đã có chuyển biến bước đầu. 5 chủ hộ đã dùng ô-tô vận chuyển sản phẩm động vật sau giết mổ ra thị trường. Tuy vậy, hoạt động này đang là vấn đề nan giải đối với các chủ hộ còn lại, khi quy định nghiêm cấm vắt sản phẩm động vật trên xe gắn máy, xe thô sơ để vận chuyển. Qua tìm hiểu của chúng tôi, những người vận chuyển thịt bằng xe gắn máy đều đã biết quy định nghiêm cấm của thành phố, nhưng theo họ, vấn đề nan giải là vốn đầu tư đổi mới phương tiện và chuyển đổi ngành nghề cho đội ngũ xe thồ chở thịt. Hộ bà Huỳnh Thị Hoa (tổ 1, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) mỗi ngày đêm giết mổ khoảng 50 con heo tại Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Sơn, ngày nào cũng có 6 người vận chuyển thịt bằng xe máy về cho bạn hàng. Bà Hoa cho biết, vận chuyển bằng xe máy rất cơ động, kiệt hẻm nhỏ đều đến được, thịt không bị xơ cứng, thuận tiện để làm chả. Bà Hoa đồng tình với quyết định không cho vận chuyển bằng xe gắn máy của thành phố, song đề nghị thành phố hỗ trợ một phần để mua ô-tô. “Cần có chính sách để những người chở thịt bằng xe thồ chuyển đổi ngành nghề”, bà Hoa nói.
Từ Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Sơn, ngày nào cũng có 85 xe máy chở thịt ra hàng chục chợ trên địa bàn thành phố và hơn 50 người kinh doanh thịt dùng xe máy tự đến chở. Ông Cao Xuân Thái cho biết thêm: Hiện nay chỉ khoảng 20% sản phẩm động vật sau giết mổ vận chuyển ra thị trường đúng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy vậy, không thể một sớm một chiều đưa hoạt động này thực hiện theo các điều khoản của Quyết định 15, mà phải có thời gian và lộ trình cụ thể. Sở NN&PTNT đang phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai và sẽ thực hiện theo hướng hỗ trợ một phần kinh phí để các chủ hộ giết mổ đầu tư phương tiện vận chuyển đúng quy định, đồng thời đề xuất thành phố hỗ trợ đội ngũ xe thồ chuyển đổi ngành nghề…
Bài và ảnh: HOÀI NAM