.

Doanh nhân ngành giáo dục

.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT),  không ít doanh nhân, doanh nghiệp chung tay, góp sức đầu tư cho giáo dục. “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai”, nhiều doanh nhân đã khẳng định như vậy khi chúng tôi hỏi về mục đích của họ trong việc quyết định chọn đầu tư cho giáo dục.

Học sinh Trường tiểu học chất lượng cao Sky-Line được học tập trong một môi trường thân thiện, hiện đại.
Học sinh Trường tiểu học chất lượng cao Sky-Line được học tập trong một môi trường thân thiện, hiện đại.

Họ cho biết, các doanh nhân đầu tư cho công tác giáo dục ngày càng nhiều. Với khả năng tài chính của mình, họ xây dựng cơ sở học tập, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận chương trình giáo dục của các trường ĐH trên thế giới, vì vậy đã thu hút khá đông học sinh, sinh viên đến học. Hệ thống trường mẫu giáo, tiểu học và THCS chất lượng cao Sky-Line tại Đà Nẵng là trường ngoài công lập được nhiều người biết đến cũng bởi niềm tin về chất lượng giáo dục mà trường mang lại. Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục chất lượng cao Sky-Line, chia sẻ: “Tạo cho các em một môi trường học tập thân thiện, hiện đại và hài hòa, trong đó tập trung vào sự phát triển toàn diện trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, sức khỏe và nhân cách của trẻ, tăng cường năng lực của cá nhân trong một môi trường năng động và hội nhập quốc tế là mục tiêu mà chúng tôi muốn đem đến cho các em. Và hạnh phúc cho con trẻ không chỉ là ước mong mà còn là trách nhiệm, nhất là đối với một nữ doanh nhân như chúng tôi”.

Ngoài việc thành lập các trường học, nhiều doanh nhân khác lại chọn việc hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với các tổ chức giáo dục, các trường ĐH danh tiếng trên thế giới để cùng phát triển chương trình đào tạo tại Việt Nam. Theo họ, những việc làm này giúp sinh viên khi ra trường dễ dàng tiếp cận hơn với các doanh nghiệp ở nhiều vị trí khác nhau, giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo và tính độc lập cao trong công việc. Không những thế, nhiều doanh nhân còn dành thời gian, công sức và tiền bạc để tham gia vào các hoạt động từ thiện như trao học bổng, hỗ trợ, tặng quà vào các dịp lễ, Tết cho học sinh, sinh viên… Họ cho rằng, những việc làm đó tuy nhỏ nhưng sẽ rất ý nghĩa đối với những học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. “Bản thân tôi đã nhiều năm tham gia công tác từ thiện, xã hội. Không muốn kể ra những việc đã làm nhưng chúng tôi nghĩ rằng giúp được một hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện học tốt, vươn lên và cống hiến cho xã hội, cho đất nước - đó là niềm hạnh phúc của chúng tôi”, anh Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty TNHH Minh Toàn, cho biết.

Phải nói rằng, sự tham gia của hệ thống ngoài công lập vào ngành giáo dục-đào tạo đã ngày càng trở nên sâu rộng và mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước cũng như tất cả mọi người. Và thực tế, xã hội hiện nay cũng đã nhìn nhận vấn đề này một cách tích cực hơn. Ông Trương Phước Ánh, Giám đốc Công ty TNHH Tin học Viettin, cho rằng: “Việc doanh nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực GD-ĐT đã mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Không những giúp người học có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn cơ sở đào tạo, môi trường đào tạo phù hợp với bản thân mình, mà sự cạnh tranh đã giúp mỗi doanh nhân, doanh nghiệp từng bước cải tiến, hoàn thiện phương pháp quản lý và giảng dạy, mang đến cho người học chất lượng giáo dục tốt nhất, để khi ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Và theo chúng tôi, đó là những cái “được” mà những doanh nhân tham gia vào công tác GD-ĐT mang lại”.

Bài và ảnh: THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.