.

“Đói” trong mùa cao điểm

.

Thông thường, khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5 được xem là bước vào mùa cao điểm trong hoạt động vận tải. Thế nhưng năm nay, dường như mọi việc đang diễn ra theo chiều ngược lại, khi đã đến mùa cao điểm nhưng lượng khách đi lại bằng ô-tô vẫn rất thấp.

Sau khi xuất bến các xe khách đều cố chạy thật chậm để
Sau khi xuất bến các xe khách đều cố chạy thật chậm để "vét" thêm khách.

Giá xăng dầu tăng, không dám tăng cước

Theo quyết định của Bộ Tài chính, từ ngày 7-3 giá xăng dầu trên thị trường được điều chỉnh theo hướng giá xăng tăng thêm 2.100 đồng/lít thành 22.900 đồng/lít, giá dầu diesel tăng thêm 1.000 đồng/lít thành 21.400 đồng/lít. Chỉ sau 2 ngày, giá cước taxi trên địa bàn thành phố đã tăng thêm từ 500-1.000 đồng/km, thế nhưng cho đến nay, hầu hết các tuyến xe khách cố định vẫn giữ nguyên mức giá cũ. Các DN vận tải cho biết, theo nguyên tắc giá nhiên liệu tăng 10% thì giá cước vận tải cũng phải tăng mức tương đương, thế nhưng cho đến nay, chưa có DN nào dám tăng giá cước vì lượng khách đang giảm mạnh. Trong lúc các DN phải “gồng” mình chịu lỗ thì bất ngờ lúc 20 giờ ngày 20-4, giá xăng dầu trên thị trường lại tiếp tục tăng. Dù lần này tăng ít hơn với xăng là 900 đồng/lít và dầu diesel 500 đồng/lít, thế nhưng việc tăng giá “đúp” trong thời gian ngắn thực sự đẩy DN vận tải vào thế vô cùng khó khăn.

Ông Đinh Văn Ba, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô-tô thành phố giải thích, sở dĩ các DN vẫn chưa tăng giá cước vì lượng khách đi xe đang ít dần, nếu tăng thì lượng khách sẽ tiếp tục giảm thêm, điều này cũng có nghĩa càng chạy DN càng lỗ. Đến nay chỉ mới có tuyến Đà Nẵng-Hà Nội điều chỉnh giá cước thêm khoảng 13%, còn lại các tuyến khác đều giữ nguyên mức cũ. Đây là điều rất khó cho DN, nhưng họ phải thận trọng để tránh mất thêm khách. “Nếu tình hình không có gì thay đổi thì sớm nhất phải bước sang tháng 6 mới có thể điều chỉnh giá cước trên tất cả các tuyến”, ông Ba cho biết thêm.

Còn ông Bùi Thanh Thiện, Trưởng phòng Quản lý Vận tải  Sở GTVT thành phố, cho biết theo quy định hiện hành, DN được phép tự xây dựng giá cước, chỉ cần thông báo đến cơ quan chức năng như Sở GTVT, Cục Thuế... Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, Sở GTVT mới nhận bảng điều chỉnh giá cước mới tuyến Đà Nẵng-Hà Nội, còn các tuyến khác vẫn giữ nguyên. Cũng theo ông Thiện, với giá cước như hiện nay và lượng khách xuất bến quá ít như vậy, chắc chắn 100% DN sẽ bị lỗ. Thế nhưng ngừng hoạt động càng “chết” vì lấy đâu ra tiền để trả nợ ngân hàng hằng tháng.

Ghi nhận của chúng tôi tại Bến xe Trung tâm trong những ngày qua, chỉ có vài ngày cao điểm trong đợt lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng khách đi xe có tăng nhưng chủ yếu ở các tuyến đường ngắn với gần 7.000 lượt khách, ngay sau đó, lượng khách tụt giảm mạnh. Ngay cả tuyến vốn có rất nhiều khách đi như Đà Nẵng-Huế, Đà Nẵng-Quảng Ngãi thì lượng khách khi xe xuất bến chỉ khoảng 50% số ghế.

Tự cứu mình

Vẫn là “bổn cũ soạn lại” mỗi khi ế khách, sau khi xuất bến trong tình trạng trống rỗng, các xe cố chạy thật chậm hoặc khi vắng bóng CSGT thì dừng hẳn trên đường để đón thêm khách. Theo chủ xe 43H 34… chạy tuyến Đà Nẵng-Huế, giá dầu gần 23 ngàn đồng/lít, nếu chỉ 50% số ghế có khách, cố lắm là không lỗ, nhưng hiện nay chỉ những ngày cuối tuần mới được như vậy, còn lại khoảng 30-40% số ghế thôi, vì vậy ra đường phải cố tìm thêm khách. Mặc dù vậy, theo chủ xe này cho biết, kiểu vét thêm khách trên đường như vậy nếu gặp CSGT thì coi như phiên chạy ngày hôm đó lỗ nặng.

Không hiểu có phải vì lý do này hay không mà theo quan sát của chúng tôi, đoạn đường từ ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm và đường Tôn Đức Thắng thời gian gần đây xe khách đậu đỗ đón khách rất công khai. Có thời điểm ngay dưới chân cầu vượt Hòa Cầm, 2-3 xe nối đuôi nhau chờ đón khách, rồi chạy thêm khoảng 100 mét nữa lại tiếp tục dừng để tìm khách. Ngoài việc cố chạy chậm để vét thêm khách, hầu hết chủ xe đều xin thêm tiền của khách. Theo phản ánh của anh Bùi Hồng Quân, trú tổ 29 phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, do công việc anh phải thường xuyên đi tuyến Đà Nẵng-Hà Tĩnh, mặc dù giá vé niêm yết trên xe là 290 ngàn đồng/khách, thế nhưng đưa 300 ngàn đồng thì không lần nào họ trả lại 10 ngàn, thậm chí có lúc đưa đúng tiền thì họ lại xin thêm 20 nghìn với lý do “xăng dầu tăng nhiều quá!”.

Các chủ xe đều lo lắng khi tình hình ngày càng khó khăn thêm.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN
 

;
.
.
.
.
.