(ĐNĐT) – Từ đầu năm 2012 tới nay, nhiều ngư dân Đà Nẵng mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn để đánh bắt xa bờ đã minh chứng cho ý chí và khát vọng vươn khơi và làm giàu từ biển. Cạnh đó, nhiều ngư dân cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá càng làm cho bà con ngư dân nức lòng, bởi giờ đây họ đã có thêm chiếc “phao” tiếp sức đầy ý nghĩa.
Từ tàu cá "anh cả"...
Tàu cá ĐNa 90567TS lớn nhất từ trước tới nay ở miền Trung, chiều dài 23,8m, rộng 7,2m, chiều sâu 3,5m, chiều nổi 3m; công suất gần 1.000CV của chủ tàu Trần Văn Mười tại Âu thuyền Thọ Quang. |
Đầu vụ cá năm 2012, bà con ngư dân Đà Nẵng không chỉ vui mừng mà còn cảm thấy hết sức tự hào khi chiếc tàu cá bằng gỗ, số hiệu ĐNa 90567TS lớn nhất từ trước tới nay ở miền Trung, chiều dài 23,8m, rộng 7,2m, chiều sâu 3,5m, chiều nổi 3m; công suất gần 1.000CV của chủ tàu Trần Văn Mười (35 tuổi, tổ 20B phường Mân Thái, quận Sơn Trà) vươn khơi.
Tàu được trang bị đầy đủ hệ thống các trang thiết bị chuyên dụng hiện đại, bảo đảm cho 40 lao động làm việc trong vòng 90 ngày trên vùng biển Hoàng Sa.
Chúng tôi tìm gặp chủ nhân của con tàu lớn nhất Đà Nẵng này vào buổi chiều một ngày gần cuối tháng 5, lúc con tàu này đang đánh bắt chuyến biển thứ hai.
Anh Mười tâm sự, có lẽ vì nghề biển của cha đã ngấm vào máu thịt nên sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm ở một công ty nhưng sau đó anh nghỉ làm, về nhà xin cha cho đi làm nghề biển. Trước tình hình giá mực tăng cao, cùng với nhu cầu lao động đòi hỏi những chuyến vươn khơi dài ngày và ổn định, anh đã mạnh dạn bàn bạc với gia đình quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng để đóng con tàu lớn này.
Ngư dân Trần Văn Mười đang trao đổi tình hình với tàu đang đánh bắt ngoài khơi bằng điện thoại (tàu tạm ghé đảo Song Tử Tây xin nước ngọt nên có sóng điện thoại) . Anh vui mừng khi biết được chuyến thứ hai này tàu anh chắc chắn trúng lớn. |
"Nghĩ lại thấy mình cũng liều, nhưng nó là cái nghiệp nên thấy thỏa ý. Với lại từ khi có tàu mới này thì đi được xa hơn, lâu ngày hơn, tất nhiên năng suất cũng cao hơn và còn thuận tiện nhiều cái khác nữa”, anh Mười nói.
Chuyến đầu tiên ra khơi, phần vì mới lạ, lại gặp thời tiết không thuận lợi lắm nên đi hai tháng là tàu quay về bờ. Nhưng chuyến đó cũng trúng được hơn 15 tấn mực khô. “Còn chuyến này đi đúng vào mùa vụ trúng nhất, anh em ngoài khơi lại thường báo về là tìm được ngư trường tốt nên chắc là sẽ trúng gấp đôi chuyến trước”, anh Mười nói chắc nịch. Rồi anh nhẩm tính, với mức giá 62.000 đồng/kg hiện nay thì tàu anh cũng đã có được gần 2 tỷ đồng.
Nói về con tàu "anh cả" ở ngư trường miền Trung này, ông Trần Ban, cha anh Mười, không giấu nổi niềm vui, bởi giờ đây ông đã yên tâm với công việc thường ngày của một Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Mân Thái sau khi thấy rõ hiệu quả của con tàu mà gia đình mạnh dạn đầu tư.
Nhưng có điều làm lão ngư dày dạn kinh nghiệm với hơn 20 năm lênh đênh ngư trường càng vui hơn khi thấy được khát vọng vươn khơi xa của mình gửi gắm qua con tàu đã được người con trai "hiện thực hóa". "Chỉ có vươn khơi xa trên tàu công suất lớn mới đánh bắt hiệu quả, mới làm chủ ngư trường", ông Ban nói.
Ông Lưu Quang Khánh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm tới nay, Đà Nẵng đã có thêm 3 tàu có công suất lớn được đóng mới và nhiều tàu khác được ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng công suất. Hiện toàn thành phố Đà Nẵng có 27 tàu công suất trên 400CV và có 169 tàu có công suất trên 90CV.
Trong đó, nếu tàu của ông Mười là hạng "anh cả", thì nhắc tới tàu khai thác thủy sản hạng "anh nhì", "anh ba" khác của Đà Nẵng phải nói tới tàu ĐNa-90198 công suất 734CV hành nghề lưới cản của gia đình ông Phạm Hừng (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà); tàu ĐNa-90478 công suất 625CV của ông Huỳnh Ngọc Sang (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) hành nghề lưới cản và tàu ĐNa-90422 công suất 605 CV của bà Lê Thị Huệ (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) hành nghề lưới vây vừa đóng mới.
… đến tàu hậu cần lớn nhất miền Trung
Sáng 29-5, tại khu đóng sửa tàu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), hàng trăm người dân lại được phen trầm trồ, thán phục khi chứng kiến tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vỏ gỗ, chiều dài 26m, rộng 6m, tổng công suất 1.200CV, được xem là lớn nhất miền Trung của chủ tàu Lê Văn Sang (sinh năm 1985, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) hạ thủy.
Chủ tàu kiêm thuyền trưởng trẻ tuổi Lê Văn Sang trước con tàu hậu cần dịch vụ nghề cá lớn nhất miền Trung hiện nay. |
Có mặt tại buổi hạ thủy con tàu, ông Lê Diệp (90 tuổi, ông nội của thuyền trưởng Lê Văn Sang) vui mừng nói: “Trước kia, đời mình làm tàu nhỏ, chừ đời con, đời cháu nó làm được hơn mình nên mừng quá đi chứ”. Còn với chủ tàu kiêm thuyền trưởng trẻ tuổi Lê Văn Sang, ánh mắt lúc nào cũng tràn ngập niềm vui, bởi giờ đây anh đã trực tiếp chỉ huy, cầm lái con tàu lớn nhất này và lại tiếp tục cơ hội phát huy nghề truyền thống bao đời của gia đình.
Trước đây, ông Lê Diệp hành nghề bằng một chiếc ghe nhỏ nên chỉ buôn bán thực phẩm cho tàu gần bờ. Sau khi lớn tuổi, giã từ ngư trường, ông Diệp để lại cho con trai Lê Mến một chiếc tàu bán dầu 20CV chỉ chạy loanh quanh vùng biển Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 2000, ông Mến sắm mới tàu TTH-8597 với công suất 74CV cung ứng phần nhỏ nhu cầu dầu, thực phẩm gần bờ của tàu thuyền Đà Nẵng.
Đến năm 2004, nhận thấy ngư trường Hoàng Sa chưa có tàu nào trực tiếp cung ứng dầu, thực phẩm, đá… nên gia đình ông Mến bỏ tiền, đóng mới con tàu ĐNa-90424TS có công suất 480CV. Sau vài chuyến biển đầu tiên gặp nhiều khó khăn nên tàu này kiêm luôn cả việc câu cá ngừ đại dương. Lúc này, anh Sang, con trai ông Mến, bỏ nghề chạy bàn khách sạn và ra biển cùng cha. Sau vài tháng học xong bằng thuyền trưởng hạng 4, cộng với sự chỉ dạy tận tình của cha và ông nội, Sang làm tài công tàu ĐNa-90424TS.
Càng ngày, nhu cầu cung cấp dầu, thực phẩm nhiều lên, làm ăn cũng thuận lợi nên gia đình họp lại, bàn bạc và đưa ra quyết định: đầu tư 3,5 tỷ đồng đóng thêm con tàu hậu cần mới công suất lên tới 1.200 CV, kể cả vay mượn, nợ nần, tới giờ đã hoàn thành và chỉ chờ ngày ra khơi. Chiếc tàu ĐNa-90424TS giờ được giao lại cho em trai của anh Sang là anh Lê Văn Kháng (sinh năm 1988) làm thuyền trưởng.
Tàu hậu cần dịch vụ nghề cá lớn nhất miền Trung. |
Như vậy, sau khi tàu câu mực ĐNa-90567TS của anh Trần Văn Mười ra khơi thì đến nay con tàu của anh Sang là chiếc thứ hai có mã lực lớn nhất miền Trung, nhưng là tàu hậu cần nghề biển. Tính riêng về tàu hậu cần, đây là chiếc thứ năm của Đà Nẵng, trong đó gia đình ông Lê Mến sở hữu 3 chiếc, hai chiếc còn lại của hai cha con ông Trần Toàn và Trần Ny (cùng trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu).
Trong đó, tàu ĐNa-90511TS có công suất 450CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng, của chủ tàu kiêm thuyền trưởng Trần Ny (Tổ 42 phường Thuận Phước, quận Hải Châu) vừa hạ thủy vào ngày 16-5 vừa qua và tới ngày 18-6 tới đây sẽ bắt đầu hành trình vươn khơi. Ông Ny là con trai của ông Trần Toàn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu hậu cần khác mang số hiệu ĐNa-90366TS công suất 250CV.
Có mặt tại lễ hạ thủy tàu của anh Lê Văn Sang, ông Trần Toàn bày tỏ sự vui mừng vì việc con tàu lớn nhất miền Trung này hạ thủy, cùng với “Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá phường Thuận Phước” đi vào hoạt động, tới đây ngư dân miền Trung sẽ càng yên tâm khai thác xa bờ.
Ông Toàn nói, đến nay đã hơn 30 năm, mấy đời gia đình ông đều sống nhờ biển. Nhiều lần bắt gặp cảnh ngư dân khi ra khơi đang đánh bắt dở dang phải quay về vì thiếu dầu, thực phẩm nên ông đã đầu tư con tàu 250CV để cung cấp cho ngư dân trên biển. Nay ngư dân Đà Nẵng mạnh dạn hơn khi liên tiếp nâng cấp máy lớn, đóng nhiều tàu mới, đánh bắt càng lớn nên việc ra đời của tàu hậu cần dịch vụ là đúng theo luật cung-cầu mà hai bên đều có lợi.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thuận Phước, cho biết việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ gắn với việc phát triển loại hình dịch vụ nghề cá ở Hoàng Sa là nhu cầu thiết thực và là một mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển, từ đánh bắt đến thu mua và chế biến hải sản.
“Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục động viên, khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư vào loại hình dịch vụ này để có một đội tàu mạnh đáp ứng nhu cầu của ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị với cấp trên tạo cơ chế mở, cho vay lãi suất thông thoáng để ngư dân yên tâm chuyển đổi ngành nghề”, bà Hạnh nói.
Bài và ảnh: Đắc Mạnh