.

Hợp tác phát triển miền Trung

.

Liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung, bao gồm các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đã khởi động tròn một năm. Các hoạt động liên kết, hợp tác rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các địa phương và sự phân công cụ thể, thể hiện quyết tâm xây dựng chuỗi đô thị duyên hải theo hướng hiện đại.

Cầu Rồng khi được đưa vào sử dụng sẽ càng tạo lợi thế về cơ sở hạ tầng cho Đà Nẵng và cũng là điểm nhấn giữa lòng thành phố để thu hút khách du lịch.
Cầu Rồng khi được đưa vào sử dụng sẽ càng tạo lợi thế về cơ sở hạ tầng cho Đà Nẵng và cũng là điểm nhấn giữa lòng thành phố để thu hút khách du lịch.

Một trong những nhược điểm lớn nhất thể hiện qua các hoạt động liên kết vùng 7 tỉnh duyên hải miền Trung theo đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị sơ kết một năm liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung vừa qua là thiếu tính tập hợp cam kết, một số lãnh đạo địa phương chưa nhiệt tình tham dự các sự kiện quan trọng của các địa phương khác trong vùng. Vì thế, khả năng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm còn ít.

Đồng quan điểm trên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với cương vị là Tổ trưởng Tổ Điều phối Vùng đã đề nghị lãnh đạo các địa phương trong vùng cần chủ động phân công hoặc Bí thư, hoặc Chủ tịch tham dự các sự kiện lớn, các lễ hội trong vùng để thể hiện đúng tinh thần cam kết ban đầu bởi cam kết chính là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để các địa phương cùng bắt tay nhau làm việc vì mục tiêu chung và riêng. Cũng tại hội nghị sơ kết một năm liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung, các đại biểu đều thừa nhận: Trong công tác lễ tân, không có địa phương nào chu đáo bằng Đà Nẵng, Huế và Khánh Hòa. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi các hoạt động văn hóa - du lịch diễn ra thường xuyên đã góp phần tạo nên tính chuyên nghiệp về công tác lễ tân của các địa phương này, nhưng lâu nay một số địa phương đã không chủ động học tập kinh nghiệm.

Trong 9 nội dung liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung theo cam kết của 7 địa phương, chủ yếu tập trung 3 vấn đề gồm: liên kết phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, liên kết đào tạo - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và liên kết phát triển du lịch. Đây là những vấn đề liên quan toàn vùng nhưng trong không gian kinh tế thống nhất này đang rất cần sự chủ động đột phá trên từng lĩnh vực cụ thể của từng địa phương, để những điều kiện tương đồng được phát triển thành những lợi ích khác biệt. Thay vì duy trì tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa... dẫn đến xung đột lợi ích, cản trở phát triển thì giờ đây, các địa phương đang tập trung xác định cho mình một hướng đi mới trên cơ sở hợp tác phát triển giao thông nội vùng, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá chung. Sự công khai lĩnh vực ưu tiên đột phá mà các địa phương đang tính đến sẽ tạo sự tăng trưởng tốt và phát triển bền vững trong khu vực.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Đà Nẵng sẽ chọn hướng đột phá là công nghệ cao và du lịch nghỉ dưỡng - công vụ. Quảng Nam sẽ tập trung cho công nghiệp cơ khí ô-tô. Thừa Thiên - Huế ưu tiên cho du lịch lễ hội, di sản. Quảng Ngãi, Bình Định sẽ phát triển công nghiệp hóa dầu. Khánh Hòa sẽ đầu tư cho du lịch chữa bệnh suối nước khoáng nóng... Sự phân công cụ thể và hợp lý dựa trên đặc thù của từng địa phương sẽ là bước tạo đà quan trọng cho hướng phát triển của cả vùng.

Nếu nhìn nhận sâu hơn, đây chính là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của khu vực duyên hải miền Trung. Sự tái cơ cấu hợp lý trên cơ sở hợp tác hiệu quả sẽ nâng cao sức cạnh tranh của toàn vùng và góp phần giải quyết những vấn đề chung của bài toán phát triển bền vững đối với mỗi địa phương. Từ đó, vùng duyên hải miền Trung phấn đấu chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, phát huy các lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng, chú trọng giải quyết tốt các vấn đề về an toàn môi trường ngay trong công tác quy hoạch và điều hành.

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.