Mặc dù là vật tư phục vụ khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng, nhưng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN) là một loại hàng hóa đặc biệt do Nhà nước quản lý. Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 2 đơn vị được phép cung ứng VLNCN là Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ và Tổng Công ty Vật tư công nghiệp quốc phòng cung cấp phần lớn thuốc nổ anfo cho các đơn vị trên địa bàn miền Trung. Tính đến hết năm 2011, toàn thành phố có 45 giấy phép được UBND thành phố cấp cho 35 đơn vị sử dụng VLNCN để khai thác đá, 9 đơn vị sử dụng VLNCN để thi công công trình và 1 đơn vị sử dụng VLNCN để khai thác vàng. Công tác quản lý Nhà nước về VLNCN ngày càng đi vào nền nếp, bảo đảm an toàn từ khâu vận chuyển đến sử dụng. Mặc dù lượng VLNCN sử dụng trên địa bàn tăng nhiều so với năm trước nhưng trong năm qua đã không xảy ra vụ tai nạn hay sự cố đáng tiếc nào.
Công ty CP Đầu tư xây dựng 515 chấp hành nghiêm quy trình sử dụng VLNCN. |
Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ chấp hành nghiêm các quy trình xây dựng, bảo quản kho bãi, vận chuyển, đã hỗ trợ hiệu quả cho các đơn vị khai thác về kỹ thuật nổ mìn an toàn. Đối với các mỏ có trữ lượng khai thác lớn, công ty đã tạo điều kiện cho các đơn vị bằng cách tổ chức kho bãi và cung cấp VLNCN tại chân công trình. Đồng thời, công ty còn tạo điều kiện để các đơn vị tiếp cận với công nghệ mới như phương pháp nổ mìn Sai vi diện. Ưu điểm của phương pháp này là khi nổ mìn có thể điều khiển nổ mìn (trọng lượng thuốc nổ, thời gian nổ và phạm vi ảnh hưởng) theo lỗ mìn, với tính đập vỡ cao, giảm chi phí xay nghiền. Đặc biệt với phương pháp này có thể làm cho thời gian nổ mìn giãn ra, không phải nổ hằng ngày như trước đây.
Trong lĩnh vực này, an toàn của người lao động được đặt lên hàng đầu. Ngoài việc tuân thủ các quy định, quy trình thì việc nâng cao trình độ kỹ thuật cho những công nhân nổ mìn cũng được đặc biệt coi trọng. Hằng năm, Sở Công thương phối hợp với các đơn vị cung ứng VLNCN tổ chức tập huấn, huấn luyện cho hầu hết công nhân nổ mìn của các đơn vị khai thác khoáng sản, đất đá. Từ năm 2009 đến nay, Sở Công thương đã huấn luyện và cấp giấy chứng nhận cho hơn 280 lượt công nhân.
Việc chấp hành quy định về lập hồ sơ (thông số bãi nổ, sơ đồ bãi nổ, khoảng cách an toàn, nơi ẩn nấp… có xác nhận của chỉ huy nổ mìn và chủ doanh nghiệp) nổ mìn hằng ngày với các lỗ mìn cụ thể được chấp hành nghiêm theo quy định. Nhờ vậy, tại các địa điểm khác nhau về thổ nhưỡng, các tầng đất đá và các điều kiện khác nhau chỉ sau vài lần nổ là có thể tìm ra được quy trình, lượng thuốc nổ, chiều dài dây cháy chậm… cần thiết để có quy trình nổ mìn hiệu quả, an toàn.
Tuy nhiên, do công tác quản lý, bảo quản VLNCN của một số doanh nghiệp khai thác còn hạn chế, đặc biệt là khâu bảo vệ còn nhiều sơ hở để mất mát đang là nguy cơ tiềm ẩn về an ninh trật tự xã hội. Từ năm 2006 đến nay, các đơn vị đã để mất hàng chục kg thuốc nổ, hàng ngàn kíp nổ và hàng trăm mét dây cháy chậm. Riêng năm 2011 tại kho của Công ty TNHH Xây dựng Trường Bản (sử dụng VLNCN để khai thác đất đá tại khu vực huyện Hòa Vang) đã để mất 3.301 kíp nổ các loại và 24,2kg thuốc nổ, đến nay vẫn chưa điều tra được.
Tại hội nghị Quản lý VLNCN vừa qua do Sở Công thương tổ chức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã nhấn mạnh: Trong công tác thẩm định hồ sơ cấp giấy phép khai thác mỏ có sử dụng VLNCN của các sở, ngành chức năng phải coi trọng việc thẩm định các điều kiện về kỹ thuật an toàn trong sử dụng VLNCN trước khi trình UBND thành phố cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Đồng thời, phải tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh cung ứng, sử dụng VLNCN trên địa bàn, bảo đảm đúng quy trình an toàn, không để xảy ra thất thoát, tai nạn hoặc sự cố đáng tiếc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.
Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH