.

Tháo gỡ khó khăn cho tuyến container nội địa

.

Ngày 6-9-2011, Cảng Đà Nẵng khai trương tuyến container nội địa. Đây là một hướng đi được xem tiềm năng mà lâu nay vẫn còn bỏ ngỏ. Thế nhưng sau một thời gian hoạt động, tuyến vận tải này phải tạm dừng vì thiếu hàng. Và mới đây, tuyến container nội địa được tái khởi động, dù rất nỗ lực nhưng mỗi  tuần chỉ có 2 tàu cập bến. Vì sao vậy?

Giá cước vận tải đường biển thấp hơn đường bộ nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều khách hàng.
Giá cước vận tải đường biển thấp hơn đường bộ nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều khách hàng.

Theo các chuyên gia về vận tải hàng hóa, với cự ly trên dưới 1.000km thì vận tải bằng đường biển kinh tế nhất. Chính vì vậy mà khi Cảng Đà Nẵng đưa vào hoạt động tuyến container nội địa theo lộ trình Cảng Sài Gòn-Tiên Sa-Hải Phòng được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng, và trở thành đối thủ nặng ký của vận tải đường bộ. Trên thực tế thì giá cước vận tải bằng đường biển rất cạnh tranh so với vận tải đường bộ, ví dụ giá vận chuyển một container loại 40 feet bằng đường bộ từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng 14 triệu đồng, trong khi đó vận chuyển bằng đường biển chỉ 10 triệu đồng. Tuy vậy trên thực tế, hầu hết khách hàng đều chọn vận tải đường bộ thay vì đường biển. Giải thích điều này, ông Nguyễn Hữu Sia, Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng cho rằng, mấu chốt chính là ở thời gian. Trong khi vận chuyển một container từ thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng bằng đường bộ lâu nhất cũng dưới 3 ngày, thậm chí nếu cần dưới 2 ngày cũng có thể đáp ứng được, ngược lại, vận chuyển đường biển phải mất 7-8 ngày. Về phía nhà vận chuyển, ông Đinh Hải Bắc, Giám đốc Công ty Vận tải biển container Vinaline cho biết thêm: Chu kỳ một chuyến từ Cảng Sài Gòn - Tiên Sa - Hải Phòng khoảng 8 ngày đi và 8 ngày về, không thể rút ngắn hơn. Muốn vậy chỉ có cách tăng số lượng tàu lên gấp đôi như hiện nay mới có thể rút ngắn thời gian. Tuy nhiên, tăng tàu thêm lại thiếu hàng để chở, đó là cái khó của tuyến vận tải container nội địa hiện nay.

Các doanh nghiệp đều cho rằng sẽ ủng hộ tuyến container nội địa vì như vậy vừa ủng hộ nhà vận tải vừa để giảm chi phí vận tải, thế nhưng trước mắt họ buộc phải chọn vận tải bằng đường bộ vì đáp ứng về mặt thời gian. Đặc biệt, đại diện một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố như Co.op Mart, Metro, Big C... cho biết sẵn sàng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, nhưng kèm theo điều kiện là bên cạnh việc cải thiện về thời gian thì điều quan trọng là bảo đảm về chất lượng hàng hóa, không bị hư hỏng. Theo một số doanh nghiệp phản ánh thì dịch vụ vận tải hàng container nội địa hiện nay do Vinaline và Biển Đông đảm nhận đều chung tình trạng là vỏ container quá cũ nên không bảo đảm yêu cầu về bảo quản hàng hóa, khiến cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng như thực phẩm, điện tử… không dám sử dụng vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Trước thông tin này, qua trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty Vận tải biển Vinaline khẳng định, công ty đang triển khai dịch vụ vận tải điện tử bảo đảm an toàn tuyệt đối hàng hóa, đã trang bị 1.500 vỏ container hoàn toàn mới đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trước mắt sẽ bảo đảm lịch trình chạy ổn định trung bình 1 chuyến/tuần trong cả tháng nắng lẫn mưa bão. Theo ông Đinh Hải Bắc, những biện pháp này sẽ khiến cho đơn vị kinh doanh không thể đạt hiệu quả vì phải bù lỗ, tuy nhiên vì mục tiêu lâu dài nên sẽ quyết tâm theo đuổi để phát triển tuyến container nội địa.

Nếu như kế hoạch của nhà vận tải thực hiện đúng thì nhất định sẽ có nhiều doanh nghiệp chọn vận tải bằng đường biển thay vì đường bộ như lâu nay. Và như vậy sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí, để từ đó tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, đồng thời giảm sự quá tải trên các tuyến quốc lộ hiện nay.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.