.
VẤN ĐỀ CỬ TRI QUAN TÂM

Lương tăng, giá không tăng: Vui hay lo?

Nhìn vào bảng giá được tổng hợp từ Ban Quản lý chợ Cồn, chợ Hàn cũng như siêu thị Intimex có thể thấy, từ trước Tết Nhâm Thìn 2012, giá cả các mặt hàng thiết yếu nhìn chung là không tăng, thậm chí có giảm. Điều này được các chuyên gia kinh tế cho là hiếm gặp khi xăng tăng giá, lương cũng tăng nhưng không có tình trạng “té nước” như mọi năm. Sức tiêu thụ ì ạch của thị trường “giúp” mục tiêu đưa mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm xuống dưới 10% của Chính phủ đã đạt được trong tháng 5 (8,34%).

Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng ban Quản lý chợ Hàn cho biết, mặc dù chợ nằm ngay trung tâm thành phố, rất thuận lợi cho người tiêu dùng nhưng cũng chỉ hơi nhộn nhịp vào buổi sáng. Sau khoảng thời gian này là tình trạng “đìu hiu” trong toàn chợ. Vì sức mua của người tiêu dùng quá bình lặng, người bán buộc phải hạ giá thấp nhất có thể hoặc chấp nhận nghỉ bán. Chỉ riêng hàng thịt đã có 5 người trả sạp vì quá ế ẩm, tiền bán hàng không đủ để nộp thuế và thuê sạp.

Đi tìm lời giải cho bài toán: Vì sao sức mua giảm? Chúng tôi xin đưa ra trường hợp của chị Trần Thị Hồng Dung, cử tri quận Hải Châu làm ví dụ. Tổng cộng thu nhập hằng tháng của chị (giáo viên) và chồng (cán bộ) là 5,38 triệu đồng, sau khi trừ đi các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn (10,5%) gia đình chị còn lại 4,78 triệu đồng. Với khoản tiền này chị phải nộp học phí cho hai con đang học tại Trường mẫu giáo Hoa Phượng Đỏ là 1 triệu/tháng (mỗi cháu), các cháu được ăn sáng và trưa 5 ngày trong tuần tại trường. Tiền xăng xe, tiền điện, tiền ga, tiền nước, tiền thực phẩm cho bữa tối của cả gia đình và 8 ngày nghỉ của con, dù tằn tiện lắm cũng mất 1,6 triệu đồng, tiền sữa hằng tháng cho các cháu đang tuổi lớn cũng “ngốn” 1 triệu đồng. Với những khoản chi “không thể khác”, mỗi tháng gia đình chị còn lại… 180 ngàn đồng. Chị Dung cho biết, mặc dù lương được tăng 220 ngàn đồng/hệ số (khoảng 26%) nhưng gánh nặng, áp lực chi tiêu không vì thế mà giảm đi. Gia đình chị phải dè xẻn bằng nhiều cách như ăn cháo muối buổi sáng, tự trồng rau trong vườn và tăng cường ăn những loại cá toàn tính (cá nhỏ, ăn cả xương) vừa nhiều canxi vừa rẻ nhưng vẫn thường xuyên âm tiền vào cuối tháng do các cháu còn nhỏ, hay ốm vặt.

“Bài toán” trên không phải duy nhất, điển hình mà là tình trạng chung cho hầu hết các gia đình công chức hiện nay trên địa bàn thành phố và thậm chí là cả nước. Vì thực tế này mà vấn đề tiền lương không đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động là một trong những vấn đề “nóng”, được cử tri nhiều quận nêu lên cho Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng với mong muốn suy nghĩ của mình sẽ đến được với người “làm lương, làm giá”.

Anh Trần Quốc Hải, cử tri quận Thanh Khê cho biết cảm giác “xót xa” khi cầm tháng lương đầu tiên. Ngày còn là sinh viên, Hải luôn cố gắng đạt học bổng để “bù” vào học phí nhưng mỗi tháng cha mẹ anh vẫn phải cung cấp ít nhất 3 triệu đồng để trang trải tiền thuê nhà, cơm nước, đi lại... Đến khi ra trường, được tuyển vào cơ quan với ngạch 2,34, anh được nhận 85% lương tối thiểu mới (1,05 triệu đồng), tương đương 2 triệu đồng/tháng, ít hơn “lương” trước đây gia đình cấp, chưa kể đến việc mức giá ngày ấy chỉ bằng 1/3 bây giờ. Anh cho rằng, chế độ lương cào bằng giữa các nhân viên trong cơ quan và tương đương với người lao động chân tay là một điều rất vô lý, không khuyến khích nguồn nhân lực được đào tạo bài bản vào các cơ quan Nhà nước thay vì đầu quân cho các công ty nước ngoài, nơi có mức lương tính bằng USD và được trả theo năng suất công việc, sức sáng tạo của từng cá nhân. Anh Hải chia sẻ: “Với đồng lương “còm”, tôi luôn phải tìm cách để “kiếm thêm”, biết như thế là không tốt, đầu óc không thể nào tập trung vào chuyên môn chính nhưng nếu không làm thì không thể trang trải hết những khoản chi tiêu tối thiểu. Tôi luôn rùng mình lo sợ khi nghĩ đến chuyện lập gia đình, nuôi vợ, con với đồng lương như hiện nay”.

Theo kết quả khảo sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, mức lương tối thiểu công chức áp dụng từ 1-5-2012 là 1,05 triệu đồng/tháng, chỉ đạt gần 48,6% nhu cầu sống tối thiểu. Đây là lời giải thích rõ ràng nhất vì sao sức mua đang giảm mạnh. Người dân thắt chặt chi tiêu, cầu kinh tế giảm là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm và “Nếu không có biện pháp để giải quyết, kinh tế sẽ tiếp tục đình trệ, dẫn tới giảm phát, mà giảm phát thì khó chữa hơn lạm phát rất nhiều” - chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khẳng định trên báo Đầu tư số ra ngày 25-5-2012.

Bảng giá tại chợ Hàn (giống với chợ Cồn) ngày 15-2-2012 (24 tháng giêng) và 28-5-2012. (Giá cả những mặt hàng có thay đổi được in đậm)

TT

Hàng hóa

ĐVT

15-2-2012

28-5-2012

1

Gạo thường

kg

12.000

12.000

2

Đường trắng RS

kg

20.000

20.000

3

Mì hảo hảo

thùng

97.000

97.000

4

Mì Aone

thùng

120.000

110.000

5

Dầu Neptuyn

lít

43.000

45.000

6

Thịt heo mông

kg

120.000

100.000

7

Thịt heo ba chỉ

kg

110.000

100.000

8

Thịt heo vai

kg

110.000

100.000

9

Thịt bò

kg

230.000

230.000

10

Chả heo loại

kg

170.000

160.000

11

Chả bò loại 1

kg

240.000

240.000

12

Cá thu loại 1

kg

190.000

120.000

13

Gà ta

kg

140.000

140.000

14

Gà công nghiệp

kg

55.000

55.000

15

Trứng gà (công nghiệp)

kg

32.000

30.000

16

Cam

kg

20.000

28.000

17

Quýt đường

kg

25.000

30.000

18

Rau cải xanh

kg

12.000

15.000

19

Rau muống

kg

20.000

14.000

20

Cà rốt Đà Lạt

kg

15.000

15.000

21

Khoai tây Đà Lạt

kg

20.000

18.000

Ban quản lý chợ Hàn, chợ Cồn cung cấp.

Bài và ảnh: MAI TRANG

;
.
.
.
.
.