.

Xây chợ chưa hiệu quả

.

Xây dựng từ khá lâu và nằm ở vị trí trung tâm thành phố, chợ Mới (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) là một trong những chợ tập trung đông đúc người mua bán. Khi chúng tôi thắc mắc về tình trạng “dưới đông đúc, trên bỏ không” thì được hay: Chợ Mới gồm 2 tầng với diện tích mặt bằng 3.889m2, được xây bằng nguồn vốn tín dụng từ thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ (1991). Đình trệ một thời gian, chợ giao về cho Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng (QLCC) tiếp quản, lúc đó hồ sơ, văn bản thiết kế cũng không có. Từ năm 2009 đến nay, chợ Mới được giao về cho UBND quận Hải Châu quản lý theo mô hình chợ loại 1.

Đìu hiu cảnh chợ.
Đìu hiu cảnh chợ.

Ông Đặng Ngọc Vinh, Trưởng BQL chợ Mới giải thích: “Chợ nằm ở vị trí thuận lợi, nhưng không đáp ứng được nhu cầu về diện tích cho các hộ kinh doanh nên năm 1999, Công ty QLCC dự kiến bố trí thêm phần diện tích tầng 2 để sử dụng. Sau khi xin ý kiến của Sở Xây dựng mới biết công trình không bảo đảm chất lượng. Từ đó đến nay, mặc dù tầng 1 buôn bán rất sôi động, nhưng tầng 2 vẫn để trống như vậy”. Hiện chợ Mới có khoảng 600 hộ kinh doanh cố định và không cố định. Tất cả đều dồn ở tầng dưới, trong khi đó khuôn viên xung quanh chợ vốn chật hẹp, buộc người dân phải tràn xuống lòng đường mua bán. Theo BQL, sự quá tải đã gây áp lực về tình hình an ninh trật tự, lấn chiếm vỉa hè, phòng cháy chữa cháy và cả vấn đề văn minh thương mại cần phải giải quyết.

Không chỉ các chợ nội thành chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng, chợ Túy Loan – trung tâm thương mại của huyện Hòa Vang được đầu tư khá lớn, nhưng gần đây mới được sắp xếp lại diện tích bỏ trống. Sau khi BQL chợ vận động, tháng 4-2012 mới có một số hộ kinh doanh ngành hàng quần áo, giày dép từ tầng 1 chuyển lên. Tầng 2 chợ với diện tích 466m2 có khả năng bố trí cho hơn 80 lô, sạp, song không mấy tiểu thương mặn mà. Chị Hà, kinh doanh quần áo than thở: “Ế lắm chị ơi. Hồi trước ở dưới (tầng 1-PV) còn buôn bán được, giờ lên đây doanh thu giảm ngó thấy. Vì sao hả? Ở đây vùng nông thôn, người dân không quen leo lầu”. Nói thêm rằng, các hộ đang kinh doanh trên tầng 2 được điều chuyển từ các ngành hàng tầng 1, do vậy, số lô quầy ở tầng dưới còn trống khá nhiều. Có thông tin nhiều hộ đang muốn bán sang tay để lấy lời. Một chị tên Lành còn cho chúng tôi số điện thoại để liên lạc nếu đồng ý “mua” 2 lô ngành hàng văn phòng phẩm, đồ chơi trẻ em với giá 250 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó trưởng Phòng Công thương huyện Hòa Vang, đánh giá: Chợ Túy Loan được xác định là chợ điểm của huyện cho nên trong tương lai chợ sẽ còn phát triển gấp nhiều lần hiện tại. Trước yêu cầu đó, tháng 3 vừa qua, UBND huyện đã có phương án quy hoạch, sắp xếp lại hộ kinh doanh tầng 1 và 2 để khắc phục những bất cập. Cụ thể, các khu ngành hàng sẽ được giãn ra với diện tích rộng hơn vì diện tích sau này mở rộng sẽ còn nhiều. Trước đó, chúng tôi đã ghi nhận nhiều ý kiến của tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cho rằng, chợ được bố trí chưa khoa học. Nhất là vị trí các ngành hàng, ki-ốt, lối đi quá chật chội, khách hàng bước vào có cảm giác bị bưng bít lối đi.  Ông Đại cũng xác nhận: “Tầng 2 vẫn còn 28 lô trống, sau thời điểm ra “tối hậu thư” hết tháng 5, hộ nào không ra kinh doanh mà không có lý do sẽ bị thu hồi. Riêng tầng 1 còn 19 lô của những hộ kinh doanh cũ đã lên tầng 2, nếu họ có nhu cầu, sẽ bố trí tiếp tục hoặc cho những người mới. BQL đã có thông báo nghiêm cấm việc sang nhượng trái phép. Nếu phát hiện sai đối tượng chúng tôi sẽ cho xử lý”.

Có thể đề cập thêm nhiều chợ khác được Nhà nước bỏ tiền tỷ xây dựng, nhưng các ki-ốt vẫn đóng cửa, mặt bằng bám bụi dày vì không ít nguyên nhân. Chợ Phú Lộc (quận Thanh Khê) xây dựng khang trang năm 2007 với kinh phí trên 9 tỷ đồng, mới chỉ sử dụng khoảng 65-70% công năng chợ, vì nằm trong khu dân cư khuất kín. Chợ Hải sản (phường Thanh Khê Đông, gần sông Phú Lộc) được đầu tư hơn 1 tỷ đồng rốt cuộc chỉ bố trí được trên dưới chục hộ kinh doanh. Vẫn không giải quyết được tình trạng buôn bán lấn chiếm tuyến đường Nguyễn Tất Thành gây mất mỹ quan. Cũng như mặt bằng tầng 2 của chợ Mới với 800m2 trong điều kiện có thể sẽ bố trí thêm khoảng 60-70 hộ kinh doanh. Thế nhưng vì nguồn kinh phí hạn hẹp, các phương án cải tạo vẫn còn nằm chờ trên giấy.

Có thể nói, việc đầu tư xây chợ là chủ trương lớn của Nhà nước, đem lại lợi ích cho người dân. Trong quy hoạch mạng lưới chợ đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều chợ mới hiện đại, tuy nhiên, để không lãng phí tiền của, những bất cập nói trên cần sớm được giải quyết.

Bài và ảnh: PHƯƠNG ANH - DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.