.

BDS chưa phát triển

.

Dịch vụ phát triển kinh doanh (BDS - viết tắt từ tiếng Anh: Business Development Services) là ngành dịch vụ chất xám, cung cấp hỗ trợ đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Trong khi ở hai đầu đất nước, BDS đã trở nên khá phổ biến thì tại thị trường Đà Nẵng, dịch vụ này vẫn chưa đủ điều kiện để phát triển, mà nguyên nhân chính xuất phát từ nhận thức không thay đổi tập quán kinh doanh của chủ DN.

Thông qua các Hiệp hội, các DN Hà Nội – Đà Nẵng liên kết xúc tiến thương mại.
Thông qua các Hiệp hội, các DN Hà Nội – Đà Nẵng liên kết xúc tiến thương mại.

DN thiếu trung thực

BDS được hiểu bao gồm hàng loạt các dịch vụ: kế toán, thông tin, đào tạo, quảng cáo, xúc tiến thương mại, du lịch, thiết kế sản phẩm, hội chợ triển lãm, tổ chức sự kiện, tư vấn, nghiên cứu thị trường... giúp DN thỏa mãn các nhu cầu mà DN không có trình độ chuyên môn để tự làm được.

Một dịch vụ BDS khá phổ biến mà DN nhỏ nào cũng biết, đó là dịch vụ kế toán. Để tiết kiệm chi phí, DN thường thuê dịch vụ kế toán làm sổ sách hằng quý, hằng năm và tư vấn về chính sách pháp luật thuế liên quan đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của DN. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tồn tại và phát triển của DN. Nhưng theo Hiệp hội Dịch vụ kế toán Đà Nẵng, các chủ DN tìm đến dịch vụ này với yêu cầu tư vấn lách luật, trốn thuế. Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng cho biết: “Rất nhiều DN nhỏ có 2 sổ kế toán; một sổ nộp thuế thì báo lỗ, sổ để trình vay vốn ngân hàng thì báo lời. Chính vì vậy, các ngân hàng không tin tưởng vào sổ kế toán của DN mà yêu cầu DN phải có báo cáo tài chính qua kiểm toán làm cơ sở. Kết quả, có nhiều DN không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay. Điều quan trọng nhất mà các chủ DN chưa nhận thức rằng, nhà tư vấn cũng giống như bác sĩ bắt mạch kê đơn, nếu DN không trung thực cung cấp đúng thông tin thì sẽ kê sai đơn thuốc, bệnh không thể chữa lành mà còn nguy hiểm hơn. Tư duy này một phần xuất phát từ môi trường kinh tế thiếu lành mạnh, Nhà nước làm trọng tài chưa nghiêm túc, khiến DN trung thực khó thành công”.

Chất lượng BDS chưa bảo đảm

Bà Nguyễn Thị Độ, chủ DN chuyên cung cấp dịch vụ giải pháp phần mềm cho rằng, đa số DN nhỏ không sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ  tư vấn để tiết kiệm chi phí, có thói quen thuê một nhân viên về làm kiêm nhiều đầu việc vì lao động chất xám Việt Nam nói chung còn rất rẻ. Tuy nhiên, cũng có DN muốn tìm địa chỉ nhà tư vấn bảo đảm chất lượng nhưng không biết nên hỏi ai, tìm ở đâu? Một DN tư vấn bất động sản sẵn sàng “chộp” lấy khách hàng hỏi xin tư vấn về luật, dù chẳng có chuyên môn về lĩnh vực này. Có DN còn nhận được các cuộc điện thoại lừa để tư vấn lấy tiền.

 Qua phân tích, Trung tâm Hỗ trợ DN Đà Nẵng và VCCI Đà Nẵng xác định nguyên nhân chính là do DN chưa có thói quen, chưa hiểu đầy đủ lợi ích, dẫn đến ít nhu cầu sử dụng BDS, công tác quản lý Nhà nước về chất lượng của BDS chưa được tiến hành và BDS chưa chủ động tự giới thiệu hoặc thành lập các câu lạc bộ  nhà cung cấp dịch vụ uy tín dưới sự bảo trợ thông tin của Nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định vai trò của BDS đối với sự phát triển của DN địa phương được ghi nhận rộng rãi trên thế giới. Tỷ lệ giá trị BDS trên GDP tại  các nước đang phát triển là 10%, trong khi ở Việt Nam mới chỉ 1,5%. Như vậy, dư địa còn lại để DN tham gia vào thị trường dịch vụ này là 8,5%. Vấn đề phát triển thị trường BDS phụ thuộc vào  cơ chế thay đổi thị trường truyền thống từ các nhà cung cấp dịch vụ bao cấp Nhà nước, sự khẳng định thương hiệu của bên cung và nhận thức về lợi ích tiềm năng của bên cầu BDS. Sự thay đổi xu hướng mới này để đi vào cuộc sống và trở thành thói quen cần có thời gian cũng giống như xu hướng lựa chọn và sử dụng hàng Việt.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

;
.
.
.
.
.