.

Cổ phần hóa doanh nghiệp

.

Giai đoạn 2011-2015, thành phố Đà Nẵng tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Sẽ có 4/7 công ty TNHH MTV nằm trong lộ trình  cổ phần hóa (CPH), Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc không giữ cổ phần. Tuy nhiên, quá trình thực hiện CPH trong 10 năm qua đã bộc lộ một số vấn đề cần quan tâm để rút kinh nghiệm cho quá trình tái cơ cấu DNNN hiệu quả hơn.

Công ty  Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đà  Nẵng đặt ra mục tiêu  tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng thị phần tiêu thụ nhưng Nhà sách Đà Nẵng của công ty lại đóng cửa từ 11 giờ 30 đến 13 giờ hằng ngày.
Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh và tăng thị phần tiêu thụ nhưng Nhà sách Đà Nẵng của công ty lại đóng cửa từ 11 giờ 30 đến 13 giờ hằng ngày.

Đã nhiều năm nay, dư luận xã hội gần như ít quan tâm đến DNNN, trừ các tập đoàn và tổng công ty. Đã có nhiều đánh giá khách quan về vai trò chủ đạo của DNNN suy giảm đáng kể, đa số đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội thấp, thậm chí làm cản trở sự phát triển của kinh tế dân doanh... Thực tế 10 năm tiến hành đổi mới, sắp xếp DNNN của Đà Nẵng (2001 đến 2011) cho thấy trong nhiều cái được vẫn còn nhiều điều bất cập cần tiếp tục cải cách.

Đánh giá chung của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN thành phố về 44 DNNN (do UBND thành phố quản lý) đã tiến hành CPH và chuyển đổi thành công ty TNHH MTV, là hình thức sở hữu đa dạng, người góp vốn cụ thể trở thành lực lượng chủ DN; hiệu quả DN sau CPH tăng cao, doanh thu tăng, chi phí giảm, lợi nhuận tăng, nộp ngân sách tăng và đời sống người lao động được bảo đảm; cổ đông có trách nhiệm với sản phẩm và tham gia vào kế hoạch phát triển của DN. Nhưng về mặt thể chế từ Trung ương vẫn chưa hoàn chỉnh, dẫn đến vai trò của HĐQT, Ban kiểm soát chưa được phát huy và gần như chịu sự quyết định hoàn toàn của Tổng Giám đốc.

 Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN thành phố Võ Duy Khương, việc tách bạch chức năng quản lý Nhà nước, giám sát hiệu quả hoạt động và chức năng kinh doanh vốn Nhà nước trong các DN cổ phần hiện nay chưa rõ ràng. Tại các công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn, bộ máy nhân sự cơ bản được giữ nguyên, nhiều cán bộ chưa được đào tạo khiến phong cách và tư duy làm việc vẫn trong tình trạng “bình mới rượu cũ”. Một số DN sau khi CPH đã xuất hiện xu hướng tư nhân hóa; một phần do người lao động là những cổ đông thiểu số đã không phát huy quyền làm chủ DN, muốn từ bỏ quyền lợi, khiến các cổ đông lớn có tiềm lực tài chính mạnh có cơ hội thâu tóm cổ phiếu, sau đó bán các tài sản có khả năng sinh lời cao (chủ yếu là quyền sử dụng đất) để thu lợi. Thực trạng người lao động chuyển nhượng cổ phiếu, hoặc thu lợi từ đầu tư cổ phiếu thay cho nhu cầu quan tâm sự phát triển, giám sát DN đang diễn ra tại Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng là một ví dụ, khiến cho hoạt động kinh doanh của công ty thiếu ổn định.

Từ năm 2013 đến 2015, thành phố sẽ tiếp tục CPH Công ty TNHH  MTV Cấp nước Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng - Xây lắp và Kinh doanh nhà Đà Nẵng, Công ty TNHH MTV Xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng. Trong điều kiện hiện nay, các DN sắp sửa CPH ngoài việc không còn được hưởng các ưu đãi như DNNN trước đây, sẽ còn phải đối mặt thêm thách thức trong công tác huy động vốn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, nhất là đối với DN xây dựng và kinh doanh bất động sản.

CPH luôn được coi là một biện pháp chủ lực để cải cách các DNNN. Vai trò của chính quyền thành phố đối với công tác đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN trong những năm đến cần quyết liệt và triệt để hơn, tạo sự thay đổi về chất đối với các DN sắp CPH và  các DN còn duy trì 100% vốn Nhà nước.

Bài và ảnh: THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.