Đó là thông tin từ Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Đà Nẵng, tạo cơ hội cho ngư dân khi muốn đóng mới tàu cá công suất lớn. Họ có thể thế chấp tàu để vay vốn, thay vì phải thế chấp nhà cửa như trước đây.
Được ngân hàng cho vay vốn, nhiều ngư dân sẽ đóng mới tàu công suất lớn. |
Ông Đoàn Phúc, Phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Đà Nẵng, cho biết: Lâu nay ngư dân khó tiếp cận vốn vay, không phải ngân hàng (NH) gây khó dễ mà do chính họ không đáp ứng các yêu cầu về nguyên tắc tín dụng. Cùng với nhiệm vụ cho vay đầu tư phát triển sản xuất, NH phải thu hồi và bảo tồn được vốn. Từ trước đến nay, hàng trăm ngư dân đã được giải ngân với số tiền không nhỏ. Tuy vậy, việc thu hồi vốn vô cùng nan giải, nhiều trường hợp không trả nợ đúng như cam kết, NH phải nhờ pháp luật can thiệp. Hiện nay, ngư dân nào có dự án đóng mới tàu cá công suất lớn, có thể thế chấp chính tàu đó để vay vốn. Tuy nhiên, dự án họ triển khai phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, NH thẩm định chu đáo, nhất là năng lực tổ chức sản xuất. Mức vay không phải là 100% vốn đóng mới tàu. Ông Phúc nói rằng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân tiếp cận với vốn vay.
Từ trước đến nay, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Đà Nẵng đã tạo điều kiện về vốn cho ngư dân trong việc đóng mới, nâng công suất tàu thuyền. Nhưng rồi vì nhiều lý do, do đánh bắt kém hiệu quả, hoặc do thiên tai gây thiệt hại, tình trạng ngư dân không trả nợ như cam kết xảy ra khá nhiều. Đó là chưa kể nhiều ngư dân sau khi được giải ngân, do giải tỏa, không còn đánh bắt hải sản, tái định cư nơi khác, gây không ít khó khăn cho NH khi thu hồi vốn. Từ thực trạng này, khoảng từ năm 2005 đến nay, NH gần như không còn mặn mà trong việc cho ngư dân vay vốn đầu tư đóng mới tàu.
Hiện nay đánh bắt hải sản thuận lợi và thu nhập cao hơn nhiều so với trước đây. Tàu đánh bắt xa bờ hành nghề lưới vây, chuyến biển nửa tháng đưa về trên dưới 20 tấn cá, trị giá 500-600 triệu đồng, trừ chi phí, chủ tàu lãi ròng hơn 200 triệu đồng, ngư dân mỗi người 10-15 triệu đồng không còn là chuyện hiếm. Thu nhập cao do ngư dân triển khai nghề hợp lý, đánh bắt tại ngư trường xa bờ có sử dụng máy dò ngang (máy tầm ngư). Tình trạng tàu bè gặp rủi ro trên biển đã hạn chế ở mức thấp nhất do dự báo bão kịp thời, chính xác hơn. Các tàu đánh bắt xa bờ đều lắp đặt máy móc chuyên dụng hiện đại. Và như vậy, đóng tàu công suất lớn, bám biển tại ngư trường xa bờ, khu vực giàu tài nguyên hải sản là xu hướng tất yếu hiện nay. Được NH tạo điều kiện thế chấp bằng tàu để vay vốn là cơ hội lớn cho ngư dân.
Ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ xứng với tiềm năng là vấn đề ngành đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy vậy, vốn để đóng mới tàu công suất lớn đang là trở ngại lớn nhất. Sở sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có NH để tháo gỡ khó khăn này. Việc Ngân hàng NN&PTNT cho ngư dân thế chấp tàu đóng mới để vay vốn là tín hiệu vui không chỉ cho ngư dân mà cho ngành thủy sản. Hy vọng với giải pháp khả thi về vốn này, đội tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng sẽ phát triển cả lượng và chất, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU