Khác với viễn cảnh ra trường sẽ tìm được chỗ làm tương xứng với bằng cấp, thời điểm này, đi bất cứ khu công nghiệp nào cũng dễ bắt gặp hình ảnh sinh viên các trường đại học, cao đẳng cầm hồ sơ xin làm công nhân.
Lao động phổ thông trong các doanh nghiệp may mặc rất hay “nhảy việc”. |
Hiện Đà Nẵng có 6 KCN với gần 300 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động nên nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Dù “đúng mùa” nhưng hầu hết các DN vẫn trong tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Trước cổng Công ty TNHH điện tử Việt Hoa (KCN Hòa Khánh) có tấm băng-rôn: Cần tuyển 1.000 lao động nữ tuổi 18-35. Chúng tôi thấy 3 bạn trẻ dừng xe để đọc thông báo tuyển dụng. Được biết, các em đã tốt nghiệp Khoa Kế toán Trường CĐ Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng đang đi xin việc làm. L.T.H.N (quê Yên Thành, Nghệ An) tâm sự: “Ra trường hơn năm rồi, em nộp hồ sơ nhiều chỗ mà chưa được nhận. Về quê chắc chi có việc, nên em ráng ở Đà Nẵng chờ cơ hội. Ra trường rồi mà tháng nào cũng nhận tiền ba mẹ gửi, tụi em thấy nản quá. Bây giờ vào làm công nhân một thời gian rồi chờ tìm chỗ làm khác, phù hợp hơn”.
Nhiều ngày nay, Công ty TNHH Mabuchi Motor, Công ty CP Keyhinge Toys cũng thông báo tuyển lao động lên đến hàng nghìn người. Trong số những công nhân đang làm việc ở các công ty nói trên có không ít người là sinh viên của Trường ĐH Sư phạm, Cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch, Cao đẳng Thương mại… Khi chúng tôi hỏi chuyện, em N.T.T (quê Triệu Sơn, Thanh Hóa) tỏ ra ngại ngùng, không muốn nêu tên và cho biết đã tốt nghiệp Cử nhân Văn hóa, ĐH Sư phạm. Em nói: “Nếu bố mẹ em mà biết em đi làm công nhân như thế này chắc buồn lắm. Ở quê làm nông, kinh tế nhà nào cũng rất khó khăn, nên khi đậu đại học cả gia đình ai cũng mong muốn em sau này có việc làm ổn định, đỡ vất vả. Công việc này dù không liên quan đến ngành học, nhưng cũng giúp em có được mỗi tháng trên 3 triệu đồng, còn hơn phải mang tiếng ăn bám bố mẹ”, T. nói.
Nhan nhản các thông báo tuyển dụng lao động trong các KCN. |
Mỗi năm, Đà Nẵng có gần 6.000 sinh viên hệ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và ĐH ra trường, trong số đó không phải ai cũng đạt được nguyện vọng tìm việc làm như mong muốn. Thực trạng sinh viên ra trường không có việc làm ngày càng nhiều trong khi nguồn cung dư thừa so với nhu cầu thị trường. Chị Nguyễn Thị Minh, từng phụ trách nhân sự cho doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (KCN Hòa Khánh mở rộng) cho biết: Đối với công nhân lắp ráp thủ công các linh kiện điện tử, nhà tuyển dụng không cần bằng cấp, trình độ cao. Họ chỉ cần yêu cầu về sức khỏe, siêng năng, nếu không biết việc sẽ được đào tạo khoảng 1 tuần là có thể đáp ứng công việc thành thạo. Hồi trước, các công ty còn ngại tuyển người có bằng cấp cao đến xin việc lao động phổ thông, vì sợ thay đổi nhân sự liên tục, gây xáo trộn. Còn bây giờ thì ngày càng có nhiều người trình độ cao đến xin làm công nhân, họ nhận liền. Nhà tuyển dụng đã quá hiểu, vì không xin được việc hoặc chờ việc nên các trí thức trẻ mới cần đến những chỗ này.
Không chỉ tìm việc trong các KCN, những việc làm thời vụ như giao hàng, giữ xe, bán hàng, tiếp thị, thợ phụ hồ… cũng thu hút rất nhiều tân cử nhân. Nhiều bạn trẻ xem đó là việc tạm thời nhưng dần nấn ná vài năm, có không ít người bén duyên với công việc mới, coi đây là cái “nghiệp”. Trong một chương trình nghiên cứu khoa học và điều tra việc làm của sinh viên mới ra trường cho thấy, số người tốt nghiệp đại học làm trái ngành nghề chiếm 40%. Qua các kỳ tuyển sinh hằng năm, đã thấy rõ sự mất cân đối trong đào tạo các ngành học, thậm chí nhiều trường không thể mở ngành vì không đủ số lượng tuyển sinh, trong khi đó một số ngành đang “bội thực”. Và chuyện không được làm đúng ngành đào tạo là hiển nhiên.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Chiến, Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: “Hằng năm, các trường đại học, cao đẳng đào tạo ra rất nhiều sinh viên (SV), nhưng các em không tìm được việc làm là thực tế đáng buồn. Để giúp SV học đi đôi với hành, các trường phải chủ động trong việc xây dựng các mối quan hệ với doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu trong đào tạo, nhằm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo hướng tiếp cận thực tế, tăng cường tính ứng dụng đáp ứng trực tiếp các nhu cầu xã hội… để sản phẩm đào tạo được tiếp nhận”. PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng: “Chương trình đào tạo trong trường đại học chỉ cung cấp kiến thức chung, cơ bản chứ chưa thể phù hợp với từng công việc cụ thể của sinh viên khi ra trường. Cho nên, sinh viên phải là người chủ động lĩnh hội và nắm bắt các cơ hội, rèn luyện trong nhà trường và phát huy hiệu quả khoảng thời gian thực tập, thực hành. Ngoài ra, cần tự trang bị cho mình kỹ năng mềm thông qua các hoạt động xã hội, phong trào đoàn thể và trau dồi ngoại ngữ để nhanh chóng tiếp cận yêu cầu xã hội hiện đại”. Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Chuyển giao công nghệ K&H: “Khi mới ra trường, tôi từng đi làm thuê bằng chiếc xe đạp cũ. Kinh nghiệm mà tôi muốn nói với các em là, ban đầu dù phải làm công nhân đi nữa nhưng nếu phù hợp với ngành nghề mình học thì cũng nên làm. Đó là cách để các em học hỏi kinh nghiệm, bổ sung tay nghề cho vững chắc chứ đừng “đứng núi này trông núi nọ”. Lúc đã có tay nghề rồi thì các em muốn nhảy việc chỗ nào cũng dễ dàng hơn. Kể cả nếu làm lâu dài, được đánh giá tốt, gặp được chủ sử dụng lao động có tâm có đức, các em sẽ có cơ hội thăng tiến”. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH