.

Gập ghềnh vào Gap

.

Bài cuối: Đường dài đến “chuẩn Gap”

Việc triển khai thực hiện nhiều dự án gối lên nhau (Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học - QSEAP và Dự án Sản xuất rau an toàn - RAT) từ năm 2003 đến nay nhằm hướng tới mục tiêu Đà Nẵng sẽ có rau sạch, rau an toàn. Tuy nhiên, tiêu chí đặt ra đã có nhưng hiệu quả thực hiện vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ. Con đường vào Gap càng trở nên xa xăm cho người trồng rau nói riêng và ngành nông sản thành phố nói chung.

Trồng rau sạch ở HTX rau an toàn La Hường.
Trồng rau sạch ở HTX rau an toàn La Hường.

Ông Lê Công Hồ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Đến năm 2015, tất cả các vùng rau chuyên canh nằm trong diện quy hoạch vùng rau sạch của thành phố sẽ đạt chuẩn và cấp giấy chứng nhận VietGap. Thời gian chỉ còn 3 năm, nhưng đến nay vùng rau chuyên canh mới chỉ dừng lại ở dạng tiền đề quy hoạch. Hiện nay, người trồng rau Đà Nẵng chỉ đủ cung cấp khoảng 30% cho thị trường, nên không thể nói lo ngại về đầu ra không bảo đảm. Do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, đất nông nghiệp bị thu hẹp đáng kể, các vùng rau truyền thống bị xóa sổ, các vùng rau mới hình thành không chỉ diện tích hẹp mà còn mang tính tự phát, sản xuất theo thời vụ là chính. Nếu tính cả 5 vùng rau trong quy hoạch thì ở Đà Nẵng vẫn chỉ là các vùng rau nhỏ lẻ, mang tính nhà vườn, chưa đạt mức sản xuất hàng hóa tập trung dẫn đến khó kiểm soát…

Theo quy định, để đạt chuẩn VietGap, phải bảo đảm đạt được 70 tiêu chuẩn (Global Gap là 234 tiêu chuẩn) trong quy trình sản xuất, từ việc chọn đất đến khâu thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ. Ngoài ra, phải có cơ quan chức năng kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGap. Chi phí mỗi lần chứng nhận rất cao, hơn 10 triệu đồng/ha. Với việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay, người nông dân sẽ chẳng mặn mà bỏ tiền để làm chứng nhận, chưa kể giấy chứng nhận chỉ có giá trị 1 năm.

Theo đại diện Sở NN&PTNT, từ nay đến năm 2015, các vùng rau chuyên canh của Đà Nẵng sẽ đạt chuẩn và có giấy chứng nhận VietGap, chi phí trong Dự án QSEAP hỗ trợ. Tuy nhiên, khi được hỏi sau khi dự án kết thúc, liệu các vùng rau trên có còn là rau VietGap nữa hay không thì vị đại diện này cũng chỉ biết lắc đầu: “Cái đó là do người nông dân phải tự quyết định có tái chứng nhận hay không. Sở chỉ khuyến khích, tuyên truyền cho họ chứ không thể hỗ trợ kinh phí để chứng nhận nữa khi dự án kết thúc”. Vị đại diện này cũng chia sẻ: “Vào VietGap là phải thực hiện theo dự án, còn để đạt chuẩn theo Gap thì… từ 5 - 7 năm nữa, Đà Nẵng cũng đừng mơ tới”.

Bên cạnh những điều kiện khắt khe đối với rau sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap (hay Gap), nhưng những lợi ích từ việc đạt được chứng nhận VietGap rất lớn. Đối với người tiêu dùng sẽ có được sản phẩm rau sạch, an toàn, bảo đảm sức khỏe và nguồn dinh dưỡng ngon, bổ; người trồng rau bảo vệ được sức khỏe chính mình, tạo cơ hội, biện pháp để nâng cao trình độ sản xuất, thích hợp với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Trước yêu cầu của phát triển cùng với xu thế hòa nhập toàn cầu, nhất là với Đà Nẵng khi đang trở thành thành phố du lịch, yêu cầu rau VietGap lại càng có ý nghĩa to lớn. Làm thế nào để sau khi dự án QSEAP kết thúc, người nông dân không quay lưng với rau VietGap, xa hơn nữa là vươn tới đạt chuẩn “rau Gap”? Xin dành câu trả lời cho ngành NN&PTNT.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.